- Lộ giới: 9,0m; Lòng đường: 6m, vỉa hè 3m(một bên), độ dài 450m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Trần Hưng Đạo, khóm 5, phường 5; Điểm cuối: Giáp đường cuối khu Hoàng Tâm, khóm 5, phường 5.
Nguyễn Văn Trỗi (1940 –1964 ), tháng 5/1964, khi được tin chính phủ Mỹ sẽ cử một phái đoàn chính trị, quân sự cao cấp sang Sài Gòn để nghiên cứu tình hình miền Nam Việt Nam, với lòng yêu quê hương và căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Văn Trỗi (lúc này đang hoạt động trong tổ chức Biệt động vũ trang nội thành thuộc Đại đội Quyết tử 65, cánh Tây Nam Sài Gòn) xin Ban chỉ huy Quân sự biệt động tiêu diệt phái đoàn cao cấp của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert Macnamara dẫn đầu.
Được cấp trên đồng ý, Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội của mình tiến hành gài mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) - nơi phái đoàn cao cấp của Mỹ dự kiến sẽ đi qua. Giữa lúc đang tiến hành nhiệm vụ thì Nguyễn Văn Trỗi không may bị địch bắt vào lúc 22 giờ ngày 9/5/1964.
Trong lao tù, mặc dù chịu rất nhiều đòn tra tấn, cực hình dã man cùng với những cám dỗ ngon ngọt của kẻ thù nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn một mực không khai báo, một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức và lý tưởng mà anh đã chọn. Biết không thể nào lấy được thông tin gì từ anh, chính quyền Nguyễn Khánh đã đưa anh ra tòa án quân sự kết án tử hình nhằm thị uy và uy hiếp tinh thần chống Mỹ đang sục sôi trong nhân dân miền Nam lúc bấy giờ. Vào 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, chúng đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử bắn tại vườn rau nhà lao Chí Hòa - Sài Gòn. Khi ra pháp trường anh rất bình thản, trước đông đảo các nhà báo trong và ngoài nước, anh đã vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ. Khi địch bịt mắt, anh liền giật ra và nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Trước khi chết anh còn hô vang “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!’ Câu “Hồ Chí Minh muôn năm!’ được anh hô đến ba lần.
Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Trỗi tại pháp trường đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã ghi trên tấm ảnh của anh Trỗi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Hình ảnh anh Trỗi hai tay bị trói chặt vào cột nhưng đôi mắt anh vẫn sáng lên, vẫn hiên ngang nhìn thẳng vào quân thù là một hình ảnh bất tử đi vào lịch sử. Sau sự hy sinh anh dũng của anh có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ đã lấy hình tượng đó để ca ngợi anh. Nhà thơ Tố Hữu đã có bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” với những câu thơ mở đầu:
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra…”
Nhà báo Trần Đình Vân (Thái Duy) sau khi tiếp xúc với chị Quyên - vợ anh Trỗi đã cho ra đời tác phẩm “Sống như anh”. Một tác phẩm đã được các đơn vị bộ đội lấy làm tài liệu giáo dục và đã được các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc và học tập noi gương anh Trỗi.
Cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của anh Trỗi, nhạc sĩ Vũ Thanh đã sáng tác bài hát “Lời anh vọng mãi ngàn năm”. Những câu hát mở đầu của bài hát: “Sáng mãi tên anh người con của đất nước/ Sông núi reo ca người anh hùng Thành Đồng bất khuất/ Nguyễn Văn Trỗi…Nguyễn Văn Trỗi…”. Bài hát đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và nó nhanh chóng đi vào lòng người. Có rất nhiều thính giả khi nghe bài hát này đã gửi thư về Đài đề nghị cho nghe lại.
Tấm gương hy sinh anh dũng của anh Trỗi còn được nhân dân thế giới biết đến. Sau khi anh hy sinh có rất nhiều lá thư của bạn bè thế giới như: Liên Xô (cũ), Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc (cũ)…gửi thư chia sẻ, động viên chị Quyên – vợ anh Trỗi và ca ngợi sự hy sinh anh dũng của anh. Đặc biệt có một số họa sĩ nước ngoài đã vẽ tranh về anh. Những bức tranh đều miêu tả hình ảnh anh Trỗi hiên ngang ra pháp trường.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ một số kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đó là: cây đàn măng đô lin, Tấm thiệp cưới và 10 bức thư của anh gửi cho người vợ hiền khi bị giam trong nhà lao Chí Hòa, một số bức tranh cổ động của nước ngoài ca ngợi khí phách quả cảm của anh. Những kỷ vật tuy nhỏ bé nhưng nó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó đã gắn với cuộc đời của một người thanh niên mà sự hy sinh của anh là tấm gương sáng chói cho mọi thế hệ trẻ noi theo.