Tiểu sử tóm tắt tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Huỳnh Thị Kim Liên
- Lộ giới: 12,0m; Lòng đường: 6m, vỉa hè 4x2m, độ dài 807m, kết cấu mặt đường Bê tông.
- Điểm đầu: Đường Châu Văn Liêm, khóm 6, phường 1; Điểm cuối: Giáp đường Số 12, khóm 3, phường 9.
Huỳnh Thị Kim Liên (Sáu Liên) (1940- 1970 )
Nguyên quán: ấp Cây Khô, xã Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ), huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
* Quá trình công tác cách mạng :
Tham gia công tác cách mạng: năm 1964.
Vào Đảng Cộng sản Việt Nam: năm 1966.
Tham gia Đội Biệt động thị xã Cà Mau: tháng 3/1967.
Từ năm 1967 đến 1970 cùng đồng đội đánh nhiều trận tại thị xã Cà Mau.
Ngày 03/4/1970 Huỳnh Thị Kim Liên cùng Hồ Thị Kỷ mang mìn đánh vào ty Cảnh sát An Xuyên của địch và đã anh dũng hy sinh.
* Thành tích đạt được:
Từ năm 1964 - 1966, Huỳnh Thị Kim Liên tham gia công tác địa phương tại ấp Cây Khô, xã Tân Lợi, thuộc vùng ven thị xã Cà Mau. Tuy địch đánh phá ác liệt nhưng đồng chí vẫn hoạt động tích cực, mưu trí và dũng cảm. Được tập thể tín nhiệm kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 3/1967, Huỳnh Thị Kim Liên được rút lên Đội Biệt động thị xã Cà Mau đã tham gia nhiều trận đánh vào cơ quan đầu não, kho tàng, căn cứ của địch và xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch.
Ngày 03/4/1970 trong một lần ngụy trang vào sào huyệt địch cùng đồng đội chiến đấu, đồng chí cùng đứa con gái mới 3 tuổi đã hy sinh.
* Một số trận đánh tiêu biểu:
Ngày 10/7/1968, Huỳnh Thị Kim Liên cùng Hồ Thị Kỷ được tổ chức phân công đã anh dũng dùng mìn nổ chậm để đánh phòng căn cứ của địch tại Ty Cảnh sát An Xuyên làm chết 11 tên, nhiều tài liệu quan trọng của địch bị phá hủy.
Tháng 10/1968, Cô Huỳnh Thị Kim Liên được phân công dùng mìn nổ chậm phá hủy 1 xe ZEP của địch tại Phường 1, thị xã Cà Mau.
Tháng 7/1969, Huỳnh Thị Kim Liên được Ban Chỉ huy phân công dùng mìn đánh vào kho xăng của hậu cứ Tiểu đoàn Bảo An, tại trại Cao Thắng (nay phường 9, thành phố Cà Mau) làm cho kho xăng bốc cháy dữ dội.
Ngày 03/4/1970, Huỳnh Thị Kim Liên được phân công cùng Hồ Thị Kỷ mang mìn nổ chậm vào Ty Cảnh sát An Xuyên. Trận đánh này gồm 5 đồng chí, chia làm 2 mũi, mỗi mũi 2 đồng chí và 1 liên lạc (do Huỳnh Thị Kim Liên chỉ huy).
Trong lúc tập dợt, các Cô đều biết mình có thể hy sinh vì đây là công việc hết sức nguy hiểm, Hồ Thị Kỷ xin mang theo 2 quả lựu đạn, nếu bị lộ sẽ “chia đôi” với chúng. Nhưng lãnh đạo không đồng ý, chỉ hướng dẫn “cách nhấn kíp mìn” nếu cần sẽ cho nổ trực tiếp, Huỳnh Thị Kim Liên yêu cầu hướng dẫn cách sử dụng kíp mìn để khi có tình huống cần thiết cho nổ ngay.
Huỳnh Thị Kim Liên bồng theo đứa con gái mới 3 tuổi để ngụy trang làm người đi chợ, nếu không có cháu bé được bồng theo thì địch xét hỏi và không cho vào Ty Cảnh sát. Chị cùng Hồ Thị Kỷ xách giỏ trái cây (để mìn bên dưới) hai người cùng đến chùa Bà Mã Châu (nằm sát vách Ty Cảnh sát).
Trận địa diễn ra không theo dự kiến của ta, khi Huỳnh Thị Kim Liên vào đúng vị trí đã định và ra ám hiệu cho Hồ Thị Kỷ mang mìn vào. Hồ Thị Kỷ vừa ra đến nơi, bọn lính xúm lại để xin trái cây, trêu ghẹo và mìn nổ. Theo báo cáo: Có gần 30 tên giặc chết (03 sĩ quan, 01 nữ sĩ quan), hư hỏng 03 xe quân sự và sập lô cốt phía trước của Ty Cảnh sát. Cô Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu gái mới 3 tuổi (Hồ Thị Thúy Nghiêm - con của Huỳnh Thị Kim Liên) đều hy sinh. (Mũi thứ 2 của ta chưa kịp đến vị trí, nghe mìn nổ, liền xử lý tình huống kịp thời, bảo toàn lực lượng).
Địch dập xác 3 người tại phường 6, thị xã Cà Mau, sau giải phóng ta mới lấy hài cốt đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Cô Hồ Thị Kỷ được tuyên dương danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Đội Biệt động thị xã Cà Mau (tức Đội Biệt động Hồ Thị Kỷ) được thành lập từ năm 1965, hoạt động tập trung và lập nhiều chiến công vang dội cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Đơn vị hầu hết là phụ nữ và thiếu niên (nhỏ nhất mới 10 hoặc 14 tuổi). Quá trình chiến đấu đã trực tiếp đánh giặc 87 trận, loại ngoài vòng chiến đấu hơn 300 tên địch, có khoảng 20 tên Mỹ. Đánh sập và thiệt hại nhiều cơ quan của địch, phá hủy và làm hư nặng hơn 20 tàu chiến, 3 kho vũ khí, 3 kho xăng (làm cháy trên 3 triệu lít xăng). Cô Huỳnh Thị Kim Liên đã góp phần không nhỏ cho thành tích nêu trên của Đội Biệt động.
Cái chết anh dũng của mẹ con Huỳnh Thị Kim Liên khiến nhân dân Cà Mau vô cùng thương tiếc, kính trọng và cảm phục. Cô ra đi để lại 4 đứa con thơ dại, trong hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn, chiến tranh ác liệt.
Là một phụ nữ đằm thắm, dịu dàng, nhân hậu nhưng rất quyết đoán và quả cảm. Ngày cải táng, hài cốt của hai mẹ con được chôn chung một ngôi mộ. Sự hy sinh âm thầm của Huỳnh Thị Kim Liên mãi mãi là một bản anh hùng ca bất tử, vang vọng trong lòng người dân Cà Mau.
Danh hiệu Huân chương Chiến công hạng nhì. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu giải phóng dân tộc Cô Huỳnh Thị Kim Liên được Chủ tịch nước truy tặng Liệt sĩ Huỳnh Thị Kim Liên danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.