Tiểu sử tóm tắt tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Châu Văn Đặng
- Lộ giới: 12,0m; Lòng đường: 4m, vỉa hè 4x2m, độ dài 267m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Trần Hưng Đạo, khóm 7, phường 5; Điểm cuối: Giáp đường Nguyễn Ngọc Sanh, khóm 7, phường 5.
Châu Văn Đặng (1917-1959), quê quán xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; tham gia cách mạng tháng 2/1937, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Từ năm 1948 về sau, đồng chí Châu Văn Đặng được Đảng bộ phân công giữ các chức vụ quan trọng: Bí thư Huyện ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Khu ủy khu Tây Nam Bộ. Tháng 2/1947, đồng chí Châu Văn Đặng tổ chức cho du kích xã Hưng Mỹ phối hợp với đơn vị vũ trang tỉnh bao vây đồn Rau Dừa do một trung đội lính Pháp đóng giữ. Sau nhiều ngày đêm bao vây, pháo kích, bắn tỉa kết hợp đưa lực lượng vào đồn làm nội ứng, ta đã ly gián được nội bộ địch phong tỏa đường tiếp viện, tiếp tế. Kết quả ta tiêu diệt tại chỗ 8 tên. Số còn lại bỏ đồn chạy trốn. Tháng 3/1947, đồng chí Châu Văn Đặng chỉ đạo một trung đội phối hợp với du kích chặn đánh đoàn xe của địch trên lộ Rạch Rắn - Cây Giang tiêu diệt 2 chiếc xe chở lính và thu 12 khẩu súng. Tháng 4/1947, đồng chí Châu Văn Đặng phát động mọi đơn vị, phát động quần chúng tham gia phong trào đánh địch, phối hợp các đơn vị, phối hợp với du kích, với quần chúng tấn công địch bằng mọi hình thức, tiêu hao, tiêu diệt địch nhiều hơn nữa. Đêm 10/4/1947, Đại đội tự vệ chiến đấu 101 phối hợp với du kích địa phương chống càn ở Gò Muồng - Định Thành tiêu diệt 40 tên, đánh chìm 3 chiếc xuồng, thu nhiều vũ khí. Đây là trận đánh mở màn đợt phát động;toàn dân đánh giặc; của đồng chí Châu Văn Đặng. Tiếp theo đó là; Tự vệ chiến đấu phối hợp với Quốc vệ độiphục kích đánh 5 quả mìn và nhiều quả địa lôi bố trí sẵn tại Cầu Trâu (quốc lộ), toàn bộ quân địch trên xe thiết giáp đi đầu và lính đều bị tiêu diệt. Cuối năm 1947, đồng chí Châu Văn Đặng được tập thể Huyện ủy đề cử vào Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy. Tháng 4/1948, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ II, đồng chí Châu Văn Đặng được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, được bầu vào Ban Thường vụ, phụ trách Ban Tuyên huấn tỉnh. Đồng chí Châu Văn Đặng là người khởi xướng, chuẩn bị mọi việc cho Trường Đảng tỉnh ra đời. Tháng 4/1948, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Trường Đảng tỉnh mang tên nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Thời. Từ năm 1948-1955, đồng chí Châu Văn Đặng giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng: Bí thư Huyện ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Khu ủy khu Tây Nam Bộ. Khi đóng vai trò lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Châu Văn Đặng càng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở cách mạng của quần chúng, đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Châu Văn Đặng lãnh đạo và thực hiện chủ trương đưa lực lượng, đem vũ khí cất giữ vào rừng để chuẩn bị cho thời cơ chiến đấu. Mặt khác, đồng chí Châu Văn Đặng kiên trì lãnh đạo, khắc phục khó khăn các lực lượng nội tuyến vào quân đội, chính quyền ngụy. Có những đồn bót ta đưa vào cả đại đội, trung đội... Trong một văn kiện của Tỉnh ủy có đoạn: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Châu Văn Đặng, đã sáng suốt, chủ trương kịp thời lãnh đạo nhân dân tại chỗ chiến đấu quyết liệt, giữ ruộng vườn, nhà cửa. Từ một thanh niên được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng của quần chúng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, làm công tác tuyên truyền, binh địch vận và tổ chức quần chúng giết giặc đến khi trở thành cán bộ lãnh đạo (Bí thư chi bộ đến Bí thư Huyện ủy, Bí thư Tỉnh ủy...), đồng chí Châu Văn Đặng đều dựa vào dân, lãnh đạo dân chiến đấu với kẻ thù. Và, như có sự trùng hợp lịch sử, đồng chí Châu Văn Đặng lãnh đạo cách mạng đều nắm chắc ba lực lượng đánh địch: chính trị - vũ trang - binh vận. Châu Văn Đặng là nhà lãnh đạo của Đảng đầy tâm huyết và tài ba. Thành tích của đồng chí là: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và Trường Đảng tỉnh trước đây vinh dự mang tên Châu Văn Đặng./.