Tiểu sử tóm tắt tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Thị Riêng
- Lộ giới: 20,0m; Lòng đường: 8m, vỉa hè 6x2m, độ dài 890, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: giáp đường Đường Trần Hưng Đạo, khóm 5, phường 5; Điểm cuối: giáp đường Bà Triệu, khóm 8, phường 5
Lê Thị Riêng (1925-1968) sinh tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Hy sinh ngày 31/01/1968 tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha mẹ sớm, được chứng kiến cảnh áp bức bốc lột của bọn địa chủ cường hào, ngay từ khi còn nhỏ Bà đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1945 khi Cách mạng tháng tám bùng nổ, Bà tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp thực hiện nguyện vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giới mình khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến. Năm 1948 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Năm 1954 sau khi hiệp định Geneve được ký kết, Bà tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng chống chế độ độc tài phát-xít của Mỹ-Diệm. Năm 1960 Mật trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Bà được bầu làm Phó Hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Bà còn là một cây viết xã luận sắc xảo của báo Phụ nữ Giải phóng –một tờ báo của cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam – tiếng nói của phong trào phụ nữ, một vai trò chủ chốt và hùng hậu nhất trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện với quân thù.
Bà Lê Thị Riêng là một người phụ nữ giàu lòng yêu nước, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, là một cán bộ cách mạng tài năng và đức độ. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước Bà đã hoạt động liên tục không biết mệt mỏi. Trong những năm khó khăn, Bà luôn luôn tỏ ra là một cán bộ rất mực trung kiên, xuất sắc của phong trào. Bà đã đóng góp nhiều công sức xây dựng cơ sở cách mạng, gây dựng phong trào phụ nữ ở Miền Nam, được toàn thể phụ nữ Miền Nam và nhân dân Miền Nam cảm mến tin yêu.
Trong một chuyến đi công tác hồi tháng 5/1967, Bà sa vào tay bọn mật thám và bè lũ Mỹ - Thiệu –Kỳ. Bọn mật vụ Mỹ CIA và bọn công an ngụy đã dùng cực hình tra tấn Bà rất dã man. Chúng đốt cháy tay Bà đến trơ xương, Bà vẫn giữ vừng khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, đã biểu hiện khí phách hiên ngang bất khuất. Tinh thần dũng cảm ngoan cường ấy đã làm cho bè lũ Mỹ và tay sai vô cùng khiếp đảm.
Đêm mồng 2 Tết Mậu Thân (31/1/1968) bọn địch đã hèn hạ ám hại Bà cùng một số người yêu nước khác trên đường Hồng Bàng (nay là đường Hùng Vương –Tp.Hồ Chí Minh). Sự hy sinh của Bà đã nêu một tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bà đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ, những đức tính cần cù, giản dị, khiêm tốn và phẩm chất cao quý của Bà đã được mọi người kính phục và học tập. Bà đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam truy tặng huy chương "Thành Đồng" hạng II và huân chương "Quyết Thắng" hạng I.
Tập tin đính kèm 1
Tập tin đính kèm 2