Tiểu sử tóm tắt tên đường: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lý Văn Lâm (1941-1969)
- Độ dài 4.350m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Nguyễn Trãi, khóm 4, phường 1; Điểm cuối: kênh giồng kè, khóm 6, phường 1
+ Lộ giới: 15,50m; Lòng đường: 8,0m, vỉa hè: 2,5m; 5,0m; đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến Công viên văn hóa (công ty Dược).
+ Lộ giới: 18,0m; Lòng đường: 8,0m, vỉa hè: 2x 5,0m; đoạn từ đường Công viên văn hóa (công ty Dược) đến đường Võ Văn Tần.
+ Lộ giới: 20,0m; Lòng đường: 8,0m, vỉa hè: 2x 6,0m; đoạn từ đường Võ Văn Tần đến đường kênh giồng kè, khóm 6, phường 1; khoản lùi xây dựng: 6,0m
LÝ VĂN LÂM (1941 – 1969)
Lý Văn Lâm sinh năm 1941, là con của ông Lý Văn Kiển (Mười Kiển) và bà Nguyễn Thị Tài ở ấp Giồng Kè, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
- Ngày 15/07/1961, đồng chí Lý Văn Lâm được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng nhân dân cách mạng và được đề bạt làm Trung đội phó du kích xã Lợi An. Đây là ngày mà đồng chí cho là bước ngoặt của cuộc đời và cũng là ngày vinh quang nhất của một chiến sĩ cách mạng trong suốt quá trình chiến đấu của đồng chí. Tháng 11/1961, vì sơ hở đồng chí bị lựu đạn gài nổ làm mất bàn tay mặt, tay trái cũng bị thương và đôi mắt bị khói thuốc làm mờ đi. Mặc dù tay bị cụt, mắt bị mờ nhưng đồng chí sử dụng vũ khí rất thành thạo và chính xác, mỗi lần đồng chí nổ súng là coi như một tên thù ngã gục. Đặc biệt, có lần chỉ với một viên đạn đồng chí đã bắn chết hai tên giặc đi càn.
Tiếng tăm của anh “Hai cụt” cả vùng Cà Mau ai ai cũng biết đến. Đại đội anh hùng chiến sĩ thi đua miền Tây Nam Bộ (ngày 17/9/1967) đồng chí vinh dự được cấp trên cho đi dự Đại hội. Và cũng ngay trong cuộc Đại hội này, đồng chí Lâm được Mặt trận Dân tộc giải phóng cùng bộ chỉ huy các lực lượng võ trang nhân dân giải phóng Miền Nam tặng danh hiệu anh hùng Quân giải phóng Miền Nam và thưởng: Một Huân chương quân công hạng ba; một huy hiệu anh hùng; một bằng dũng sĩ quyết thắng cấp I; một huy hiệu Bắc – Nam; một khẩu súng K54 và một khẩu K1.
Chiến công nối tiếp chiến công, đồng chí Lý Văn Lâm đã trực tiếp tham gia rất nhiều trận chiến đấu lập nên thành tích vẻ vang. Với khẩu súng trong tay đồng chí đã diệt và làm bị thương hàng trăm tên giặc, bắt sống 4 tù binh, thu nhiều vũ khí, đạn dược cùng nhiều tài liệu quan trọng khác. Ngày 03/9/1969, một lần đồng chí được cấp trên chọn đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ hai ở Tây Nam Bộ. Nhưng trên đường đi vừa đến xã Kháng Bình Đông, bất ngờ lọt vào vòng phục kích của địch, đồng chí cùng với người em trai (Người em trai duy nhất của Lý Văn Lâm) bị chúng vây chặt. Đồng chí bình tĩnh vừa bắn trả quyết liệt, vừa cùng em mở đường máu thoát ra, thà chết chứ nhất định không cho địch bắt được. Địch nhận thấy đối phương có hai người nên chúng cố đuổi theo bắn vãi đạn như mưa. Biết không thể thoát khỏi, đồng chí cùng em trụ lại sánh vai chiến đấu rất kiên cường đến khi cả hai đều ngã xuống trút hơi thở cuối cùng.