Tiểu sử tóm tắt tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bình
- Lộ giới: 12,5m; Lòng đường: 8,0m, vỉa hè 4,5m, độ dài 850m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Nguyễn Tất Thành, ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm; Điểm cuối: Giáp đường Lý Tự Trọng, ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm.
Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 trong một gia đình tại làng An Phú, xã Tiến Thịnh, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Hy sinh năm 1951.
Ông là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người đã được Bác Hồ tin tưởng “giao miền Nam cho chú”, là người có vai trò to lớn trong việc thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ trong thời kỳ Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta lần thứ 2 (9/1945).
Năm 1928, Nguyễn Phương Thảo gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng. Tham gia vào Việt Nam Quốc dân Đảng, ông rất tâm đắc với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Năm 1930, Nguyễn Phương Thảo và Trần Huy Liệu bị bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn, tòa xử năm năm lưu đày tại Côn Đảo. Trong thời gian lưu đày, ông đã được tiếp xúc với các chiến sĩ cộng sản và dần chuyển hướng theo cộng sản vì “Cộng sản là phong trào quốc tế, còn quốc dân đảng nằm trong phạm vi quốc gia. Xu thế cách mạng hiện nay mở rộng ra các nước nước ngoài tìm đồng minh để có thêm sức mạnh chống đế quốc thực dân”. Nhận thấy sự chuyển hướng của Nguyễn Phương Thảo và Trần Huy Liệu, những người cầm đầu Quốc dân Đảng đã quyết định thành lập ban thanh trừng nhưng cả hai may mắn thoát chết, riêng Nguyễn Phương Thảo bị mất một mắt.
Bước sang những năm 1940, tình hình chính trị sục sôi với các cuộc khởi nghĩa gây nhiều tiếng vang lớn như: khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, Binh biến Đô Lương… Tiếp theo sau đó là sự ra đời của Mặt trận Việt Minh. Năm 1943, Nguyễn Phương Thảo được Trung ương giao phụ trách binh vận mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Đông Triều, Hải Phòng. Thời gian này Nguyễn Phương Thảo đã đổi tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa “bình thiên hạ”.
Để mua sắm được vũ khí, Nguyễn Bình bí mật liên lạc với Lê Phú - một người bạn làm thủy thủ trên tàu của Pháp, hai người đã bí mật hợp tác mua súng đạn, vũ khí cho cách mạng, ngoài ra ông còn vận động tướng tá, binh sĩ trong quân đội Nhật chuyển hướng theo cách mạng. Công tác binh vận và mua sắm vũ khí của Nguyễn Bình được xứ ủy Bắc kỳ đánh giá cao, nhờ có nhiều súng đạn Đông Triều trở thành chiến khu vững vàng. Bên cạnh công tác vận động mua sắm vũ khí, Nguyễn Bình còn tập trung vào công tác tuyên truyền, ông lập đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều, gồm 5 người: Sư Tuệ, Hải Thanh, Vũ Đình Thiệp, Thiệu, Lê Hải.
Ngày 6/6/1945, nghe tin Nhật sẽ tiến hành đánh đồn Bảo an Chí Linh vào ngày 8/6, Ban lãnh đạo khởi nghĩa chùa Bắc Mã quyết định ra tay trước. Theo kế hoạch đã định, sáng ngày 8/6, đội vũ trang tiến hành nổ súng trên quốc lộ 18, diệt 4 đồn (đồn Đông Triều, đồn Mạo Khê, đồn Tràng Bạch, đồn Chí Linh) phá kho thóc của giặc phát cho nhân dân. Chiều cùng ngày, đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều họp ở Hổ Lao, tuyên bố chính thức thành lập chiến khu Đông Triều, bầu Ủy ban quân sự cách mạng gồm 3 đồng chí; Nguyễn Bình, Trần Cung và Hải Thanh, sau này đổi tên thành chiến khu Trần Hưng Đạo.
Thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước năm 1945, Nguyễn Bình đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Hải Dương. Sau Hội nghị quân sự Bắc kỳ họp từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945 quyết định chia cả nước thành 7 quân khu, Bắc bộ có 4 quân khu (quân khu Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo) hay còn gọi là Đệ tứ quân khu, Nguyễn Bình được cử làm “Thủ lĩnh Đệ tứ quân khu”.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, đất nước chưa hưởng trọn niềm vui độc lập thì ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng xâm lược Nam Bộ. Trước tình thế nguy cấp đó, Nguyễn Bình nhận được thư của Hồ Chí Minh gọi về Thủ đô. Đến gặp Bác Hồ tại Bắc Bộ Phủ, hai bên đã trao đổi về tình hình cách mạng Nam Bộ, Bác nói “Bác nghĩ rằng các lực lượng vũ trang trong đó đang cần một chỉ huy tài năng để tập hợp cán bộ địa phương lại, nếu không sẽ có thể xẩy ra nạn thập nhị sứ quân rất tai hại trong lúc này. Người chỉ huy đó phải biết rõ miền Nam, lại phải là một người có đủ bản lĩnh thu hút những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên. Chú có thể đảm nhận được vai trò đó không?”
Nguyễn Bình nói: “Bác đã tín nhiệm cháu, cháu xin nhận”.
Ông nhanh chóng trở về Hải Phòng chuẩn bị đồ đạc, trước khi vào Nam, đại diện thành phố Cảng trao tặng ông khẩu súng lục hiệu Wicker để làm kỷ niệm, mong rằng khẩu súng luôn mang bên người nhắc ông nhớ tới tấm lòng của nhân dân Hải Phòng luôn nhớ về ông. Đáp lại những tình cảm thiêng liêng đó ông nói: “Bác đã giao miền Nam cho Nguyễn Bình, thành phố Cảng tặng Nguyễn Bình khẩu súng này để hoàn thành nhiệm vụ Bác giao. Nguyễn Bình thề với khẩu súng này: “Nếu để Nam Bộ mất, Nguyễn Bình sẽ chết với khẩu súng này”.
Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, ngày 20/11/1945 tại xã An Phú (huyện Hóc Môn), Nguyễn Bình với danh nghĩa là phái viên của Trung ương, tổ chức “Hội nghị quân sự Nam Bộ” đầu tiên. Hội nghị có sự tham gia của đại biểu các lực lượng vũ trang ở miền Đông như: quân Giải phóng quân liên quận; Lực lượng vũ trang Bình Xuyên, Đệ tam sư đoàn, lực lượng vũ trang Cao Đài, đồng chí Nguyễn Đức Thuận bí thư Liên tỉnh miền Đông. Hội nghị bàn bạc về việc thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ lấy tên chung là Giải phóng quân Nam Bộ, thống nhất biên chế hình thức chi đội, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Trong hội nghị này, Nguyễn Bình được bầu làm Tổng Tư lệnh giải phóng quân Nam Bộ.
Từ ngày 20/11/1945 các lực lượng võ trang sẽ thống nhất quân hiệu: GIẢI PHÓNG QUÂN NAM BỘ.
Ngoài lực lượng chính quy, các tỉnh còn tổ chức các đơn vị trợ chiến gồm địa phương, dân quân du kích, gọi tắt là dân quân.
Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, đi vào nề nếp, đặt mục tiêu đánh Pháp lên trên hết, thống nhất được các nhóm giang hồ kiểu Bình Xuyên. Một đóng góp nữa của Nguyễn Bình, đó là đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm quấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon ngủ không yên.
Với những cống hiến đó, ngày 25/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho Nguyễn Bình - Khu Trưởng chiến khu VII kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ, cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ký sắc lệnh 117/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho ông Trần Đại Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân giới. Lễ phong quân hàm Trung tướng được Bộ tư lệnh Nam Bộ tổ chức trọng thể tại xã Nhơn Hòa Lập, Châu Bình, Bến Tre.
Năm 1951 ông được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ, trên đường thi hành nhiệm vụ ông bị phục kích và hi sinh ngày 2/9/1951 tại tỉnh Ráp-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia). Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, đội công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa về nước hài cốt Trung trướng Nguyễn Bình ngày 29/9/2000. Lễ truy điệu và mai táng hài cốt liệt sĩ - Trung tướng Nguyễn Bình được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh. Ông được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tập tin đính kèm 1
Tập tin đính kèm 2