Tiểu sử tóm tắt tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Văn Kiệt
- Lộ giới: 12,0m; Lòng đường: 12m, vỉa hè: không, độ dài 11.420m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Vòng xoay vành đai 2, khóm 1, phường Tân Xuyên; Điểm cuối: Ngã ba T21, khu công nghiệp khí điện đạm, xã Khánh An, huyện U Minh.
Võ Văn Kiệt (1922-2008) tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân; sinh ngày 23-11-1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm - Vĩnh Long
Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm.
Từ năm 1941-1945, đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá.
Sau Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ.
Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) đến cuối năm 1970.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng. Là Ủy viên Trung ương Cục Miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (khu Tây Nam Bộ).
Năm 1972, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức BCH TƯ Đảng khóa III.
Từ năm 1973-1975, đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn.
Năm 1976, đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu lại vào BCH TƯ Đảng, được BCH TƯ Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH TƯ Đảng, được BCH TƯ Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH TƯ Đảng, được BCH TƯ Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2-1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực rồi Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH TƯ Đảng, được BCH TƯ Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; sau đó, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH TƯ Đảng, được BCH TƯ Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn BCH TƯ Đảng.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.
Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.
Tập tin đính kèm 1
Tập tin đính kèm 2