- Lộ giới: 13,0m; Lòng đường: 7m, vỉa hè 4x2m, độ dài 352m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Lý Thái Tôn, khóm 2, phường 2; Điểm cuối: Giáp đường Lê Lai, khóm 3, phường 2.
Hoàng Diệu (1829-1882) là một vị quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882. Hoàng Diệu còn có tên là Hoàng Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 10-2-1828, trong gia đình nho học ở làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nổi tiếng thơ văn từ năm 16 tuổi. Năm 20 tuổi đỗ cử nhân (1848), 26 tuổi đỗ phó bảng (1853); được bổ Tri huyện Tuy Phước, thăng Tri phủ Tuy Viễn; Năm 1878, làm Tuần vũ Quảng Nam, thăng Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh). Năm 1879 được triệu về kinh, lãnh chức Toàn quyền đại diện triều đình đàm phán với sứ bộ Tây Ban Nha. Năm 1880, được bổ Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh) làm Thượng thư bộ Binh, trông coi cả việc thương chánh. Thuộc phái chủ chiến trong triều đình Tự Đức lúc bấy giờ, ông là người tích cực bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước. Khi nhậm chức Tổng đốc Hà Nội, ông ra lệnh quân sĩ tích cực lo việc bố phòng, đề cao cảnh giác địch. Hoàng Diệu đã mấy lần báo lên triều đình xin cho thêm quân nhằm đối phó lại âm mưu địch và ra lệnh giới nghiêm thông báo đi các tỉnh để kịp đề phòng. Vua Tự Đức lúc này lại hạ chiếu quở trách là “đem binh dọa giặc và xử lý không thích hợp”!
Ngày 25-4-1882, sau 3 giờ đưa tối hậu thư buộc phải đầu hàng, H. Rivière ra lệnh nổ súng tấn công thành Hà Nội. Hoàng Diệu chỉ huy quân sĩ chống trả quyết liệt. Bản thân ông lên mặt thành đốc suất cuộc chiến đấu. Trước sức uy hiếp của giặc
Quân ta, dưới quyền chỉ huy của Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu, giết chết hàng trăm tên giặc.
Cuộc chiến đang ác liệt thì bất ngờ kho thuốc súng nổ, lửa bốc cháy ngùn ngụt. Đám cháy càng lan rộng, tinh thần quân Việt càng hoang mang, hàng ngũ càng rối loạn. Quân giặc thừa cơ bắc thang trèo vào, phá cổng thành phía tây rồi ồ ạt kéo vào như nước chảy.
Trong vòng khói lửa ngợp trời ấy, Hoàng Diệu, tay vẫn cầm thanh kiếm tuốt trần, hăng hái xông pha trong mưa đạn.
Dù quyết tâm bảo vệ thành, nhưng trước thế tấn công như vũ bão của quân Pháp và lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng hơn, cuối cùng, Hoàng Diệu đành hạ lệnh cho quân lính giải tán để tránh thương vong.
Còn lại một mình, Hoàng Diệu quay vào hành cung cắn đầu ngón tay lấy máu thảo di biểu tạ tội với nhà vua. Trong bức di biểu, Hoàng Diệu viết:
“Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”
Sau đó, Hoàng Diệu đi thẳng đến cửa Võ Miếu, cởi chiếc khăn đang bịt trên đầu, treo mình lên cành cây trước miếu mà tuẫn tiết đúng vào giờ Ngọ. Khi ấy, ông mới 54 tuổi.