- Lộ giới: 3,0m; Lòng đường: 3m, vỉa hè: không, độ dài 460m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Lê Hồng Phong, khóm 8, phường 8; Điểm cuối: Đường cùng, phường 8.
Nguyễn Mai (1931 - 1970 ), tên thật là Phan Trường Thọ, sinh năm 1931, quê quán xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Quá trình tham gia cách mạng từ năm 1945-1953 là liên lạc du kích mật, cán bộ điều tra Công an quận Cà Mau, chiến sĩ Tiểu đoàn 307, Thư ký Văn phòng Quận ủy Cà Mau. Từ năm 1956-1959 công tác thành (làm ký giả ở Sài Gòn). Từ năm 1960-1970 phóng viên Báo Cà Mau.
14 tuổi, Phan Trường Thọ làm liên lạc cho cách mạng. Không ngại nắng mưa, đường xa lầy lội, không sợ giặc rào đón, chú bé Thọ từ huyện mang thư từ đến các xã, phường và từ xã, phường về quận. Rồi những ngày giặc Pháp chiếm đóng thị trấn Cà Mau, chú bé Thọ trở thành du kích mật đánh địch trên đường phố.
Hoạt động nội thành bị lộ, Thọ được tổ chức đưa vào căn cứ. Khi hòa bình lập lại, Phan Trường Thọ gia nhập Tiểu đoàn 307 làm chiến sĩ trinh sát, dẫn đơn vị vào tiếp thu thị trấn Cà Mau. Trong quá trình tiếp thu Phan Trường Thọ làm cán bộ Phòng cảnh binh tham gia bảo vệ trị an đường phố. Sau "200 ngày tập kết" ở khu vực Cà Mau, Phan Trường Thọ được đưa vào căn cứ hoạt động bí mật, nhân viên điều tra công an, thư ký Văn phòng Quân ủy quận Cà Mau.
Với nhiệt huyết cách mạng, tài năng, bản lĩnh, 25 tuổi Phan Trường Thọ trở thành cán bộ hoạt động công khai tại Sài Gòn. Tuy chưa một lần viết báo, nhưng ở nơi "hang hùm" Phan Trường Thọ bỗng nhiên trở thành một ký giả nổi tiếng và uy tín lớn trong độc giả.
Ký giả Phan Trường Thọ có tác phẩm ra đời với mật độ cao và số đầu báo đăng bài của ông cũng đạt tỷ lệ cao chưa từng có. Bản tự phê bình (bút tích), Nguyễn Mai - Phan Trường Thọ trình bày trước chi bộ Đảng đề ngày 13/7/1966 có đoạn: "Tôi luôn giữ vững lập trường cách mạng, có lòng căm thù giặc sâu sắc, hiểu rõ bản chất xảo trá và tàn bạo của địch... nên tự nhiên tôi tìm đến công việc viết báo. Tôi viết nhiều bài và bài viết của tôi đăng trên nhiều tờ báo như: Tân Tiến, Tiếng Chuông, Sông Hương, Nhân Loại, Thời Luận, Bông Lúa, Đồng Quê... Một số bài viết ở Sài Gòn tôi còn nhớ: Phải hủy bỏ quân sự hóa chính quyền, Nói hay câm, Đừng láo xược (vạch mặt tên Nguyễn Trân, Tỉnh trưởng Mỹ Tho đòi ra Hà Nội tranh luận chủ nghĩa cộng sản với Bác Hồ), Con rắn thần, Cháy, Cặn bã, Nửa đêm, Kiếp nghèo, Bề trái của Sài Gòn, Hai bà cháu, Heo báo thù, Nhớ người dũng cảm, Tình yêu nước...”.
Bốn năm lăn lộn giữa Sài Gòn - sào huyệt địch, ngòi bút của Nguyễn Mai trở thành vũ khí sắc bén trực tiếp tấn công chế độ độc tài Mỹ - Diệm. Đồng thời tác phẩm Phan Trường Thọ ca ngợi công khai, mạnh mẽ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam, ca ngợi thành quả kháng chiến chống thực dân Pháp, chống chính sách đàn áp trả thù của chế độ Mỹ - Diệm, chống quân sự hóa, đôn quân, bắt lính, chống chế độ bù nhìn, chống chiến tranh...
Lời giới thiệu cuốn sách "Tác giả - tác phẩm Nguyễn Mai" có đoạn: "Về Báo Cà Mau Nguyễn Mai viết rất khỏe, viết đủ các thể loại báo chí, văn nghệ, thể loại nào cũng đạt chất lượng cao, nhất là tính chiến đấu sắc nhọn nhằm vào kẻ thù, thể hiện quyết tâm "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Nguyễn Mai dành mọi thời gian - công sức - trí tuệ và cả tình yêu cháy bỏng với quê hương.
Trong bão đạn, mưa bom, trên chiếc xuồng be tám cũ kỹ, một chiếc cà vung quần áo, một cái thùng tài liệu, bản thảo và khẩu súng cạc-bin, Nguyễn Mai đến mọi làng quê, đi vào tuyến lửa, đến với bà con ấp chiến lược, đi vào các chiến dịch, đi vào trận đánh... săn đề tài, sáng tạo tác phẩm. Cho nên tác phẩm Nguyễn Mai mang tính hiện thực, tính chiến đấu, tính hấp dẫn rất cao, người đọc dễ thuộc lòng. Những truyện ngắn, thơ trào phúng, châm biếm, đả kích, những mẩu chuyện trào lộng, đã 40 năm mà nhiều người còn thuộc làu làu.
Tác phẩm Nguyễn Mai bị thiêu hủy rất nhiều bởi chiến tranh và thời gian, nhưng gần đây Hội Nhà báo tập hợp in thành sách Tác giả - tác phẩm Nguyễn Mai. Trong lời nói đầu quyển sách có đoạn: "... Vỏn vẹn 10 năm làm báo kháng chiến, trong điều kiện chiến tranh bom đạn ác liệt mà Nhà báo Nguyễn Mai để lại gần 500 tác phẩm”.
Tác phẩm Nguyễn Mai dù in báo Sài Gòn hay báo kháng chiến đều tỏ rõ thái độ rõ ràng, dứt khoát và nhất quán đứng về cách mạng, đứng về nhân dân, đánh đổ kẻ thù, phấn đấu thực hiện chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Đêm tàn là bài tùy bút tiêu biểu và là tác phẩm sau cùng của Nguyễn Mai.
Khi Đêm tàn chưa kịp lên khuôn thì Nhà báo Nguyễn Mai hy sinh. Đêm tàn chứa chan tâm huyết và niềm tin của tác giả, đó là sự suy tưởng về một ngày diệt vong của chế độ độc tài phát xít Mỹ - Diệm. Và đó là niềm tin bừng sáng trong lòng Nhà báo Nguyễn Mai về viễn cảnh thị xã Cà Mau giải phóng, về những con người bao nhiêu năm tháng bị đọa đày xiềng xích trong lòng thị xã Cà Mau được giải phóng.
Nhà báo Nguyyễn Mai có đặc tính khác lạ: Trên đường công tác thường tìm những ngôi nhà trống hoặc đến những ngôi miếu giăng võng nghỉ ngơi và viết bài. Hoặc khi đi công tác về đến cơ quan, giải quyết công việc xong, Nguyễn Mai ra cái chòi nhỏ trên bờ dừa tơ viết bài, nấu cơm ăn, lau chùi khẩu cạc-bin và mấy băng đạn. Nguyễn Mai có tài bắn súng "bách phát bách trúng". Hễ Nguyễn Mai xách súng lội ra vườn, ra ruộng là về xách trên tay một xâu chim cò. Bạn bè ca ngợi tài bắn chim, Nguyễn Mai nói với vẻ như thanh minh: "Bắn chim cò là để luyện tay nghề - chim cò đâu phải mục tiêu. Mục tiêu của cây súng này là đám lính Mỹ - ngụy ác ôn kìa!".
Trên đường công tác ra vùng ven phía Nam Cà Mau, vào buổi sáng ngày 11/2/1970, khi chèo chiếc xuồng đến đoạn giữa mương lộ xe Rau Dừa - Cái Rắn, trên bầu trời một đàn trực thăng bay tới đổ quân trên cánh đồng Trảng Ráng, Nhà báo Nguyễn Mai nhận chiếc xuồng dưới mương lộ xong, vào cái bờ đìa có cây cối rậm rạp để tránh giặc...
Rồi bỗng phía trước mặt Nhà báo Nguyễn Mai xuất hiện hơn 10 thanh niên đang bị bọn lính rượt đuổi bắn theo, có nguy cơ bị bắn chết hoặc bị bắt. Trên góc bờ bên cạnh, bọn lính tràn vào căn chòi rượt đuổi chị phụ nữ định giở trò hãm hiếp. Tiếng kêu la thất thanh, thảm thiết, tuyệt vọng của chị phụ nữ đến tai Nhà báo Nguyễn Mai. Như có ai bồng Nguyễn Mai lên đứng trên công sự, anh giương súng nhằm vào toán giặc nổ súng. Nguyễn Mai bắn liên tục hết 4 băng đạn cạc-bin. Đến khi hết đạn Nguyễn Mai đập gãy lìa báng súng. Khi biết Nguyễn Mai đã bắn hết đạn hàng trăm tên lính tràn vào bờ đìa...
Nhà báo Nguyễn Mai hy sinh!
Trận đánh giữa Nhà báo Nguyễn Mai với hơn trăm tên địch không nắm được giặc chết bao nhiêu tên, nhưng vừa ngưng tiếng súng thì hàng chục chiếc trực thăng hạ xuống trận địa rước quân và chở xác đồng bọn về Tiểu khu An Xuyên!
Một mình Nhà báo Nguyễn Mai nổ súng vào hàng trăm tên giặc, cứu hàng chục thanh niên thoát nạn và cứu người đàn bà thoát khỏi bọn ác thú toan làm nhục. Đó là tác phẩm cuối cùng Nhà báo Nguyễn Mai viết bằng giọt máu đào từ trái tim nóng bỏng của mình./.
Tập tin đính kèm 1
Tập tin đính kèm 2