Tiểu sử tóm tắt tên đường Danh nhân Nguyễn Ngọc Sanh
Thứ Năm, 11/04/2024 08:12
- Lộ giới: 17,0m; Lòng đường: 7m, vỉa hè 5x2m, độ dài 800m, kết cấu mặt đường bê tông.
- Điểm đầu: Giáp đường Phan Ngọc Hiển, khóm 7, phường 5; Điểm cuối: Giáp đường Đường 1/5, khóm 7, phường 5.
Nguyễn Ngọc Sanh - Mười Thiện (1921-1969), Quê Quán: Ấp Rạch Lùm B, Xã Khánh Hưng, Huyện Trần Văn Thời, Tỉnh Cà Mau. Năm 1944 Đồng Chí Tham Gia Du Kích Tự Vệ Ở Xã Khánh Bình, Quận Cà Mau, Nối Tiếp Vào Các Đoàn Thể: Thanh Niên Cứu Quốc, Nông Hội Cứu Quốc.
Từ năm 1947 – 1948 làm Trung đội trưởng dân quân tự vệ. Năm 1949 cán bộ xã đội xã Khánh Hưng. Tháng 09 năm 1949 đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1952 đồng chí làm Chi ủy viên xã, phó bí thư xã ủy, chủ tịch UBND xã Khánh Hưng. Năm 1953, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự huyện Trần Văn Thời. Tháng 05 năm 1954, khi một số cán bộ của ta tập kết ra bắc đồng chí được tỉnh ủy Bạc Liêu phân công ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
Đầu năm 1955, đồng chí được tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ định làm Huyện ủy bí mật quận Cà Mau (bao gồm: huyện Thới Bình, huyện Trần Văn Thời, huyện Ngọc Hiển và huyện Đầm Dơi ngày nay). Tháng 06 năm 1955 vừa là Huyện ủy viên kiêm trưởng Ban các xã, huyện U Minh và huyện Đầm Dơi ngày nay. Sáu tháng cuối năm 1955, Tỉnh ủy quyết định tách ra làm hai huyện là: Cà Mau nam và huyện Cà Mau bắc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sanh tiếp tục làm Huyện ủy viên của huyện Cà Mau bắc. Tháng 06 năm 1956 tỉnh quyết định tách ra thành hai huyện là huyện Mười Tế (huyện Trần Văn Thời ngày nay) và huyện Mười Cư (huyện Thới Bình bây giờ) đồng chí Nguyễn Ngọc Sanh được chỉ định làm Bí thư huyện uỷ huyện Mười Tế. Tháng 05 năm 1960 đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau. Tháng 02 năm 1962 đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau. Tháng 05 năm 1966 đồng chí được bầu vào Khu ủy miền tây, thường vụ Khu ủy phụ trách trưởng ban an ninh t3. Trong những năm đấu tranh đầy gian lao, thử thách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Nguyễn Ngọc Sanh đã có nhiều công lao đóng góp to lớn cho huyện Trần Văn Thời. Việc chọn tên đồng chí Nguyễn Ngọc Sanh đặt cho tuyến đường trong thị trấn Trần Văn Thời để ghi nhớ công lao trong thời gian hoạt động cách mạng đã gắn bó với nhân dân huyện Trần Văn Thời, đồng thời giáo dục tuyên truyền cho các thế hệ mai sau về công lao và thành tích to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.