Tiểu sử tóm tắt tên đường Danh nhân Trần Văn Thời
Thứ Năm, 11/04/2024 08:14
- Lộ giới: 23,5m; Lòng đường: 10,5m, vỉa hè 6,5x2m, độ dài 600m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Nguyễn Ngọc Sanh, khóm 7, phường 5; Điểm cuối: sân bay, khóm 7, phường 5
Trần Văn Thời (1902-1942), ở xã Phong Lạc nay là xã Lý Văn Lâm - Cà Mau, trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 1936 đồng chí cùng các em của mình được đồng chí Phạm Hồng Thám tuyên truyền giác ngộ cách mạng đã tích cực tham gia hoạt động. Năm 1937 đồng chí được kết nạp vào Đảng, sau đó đồng chí hoạt động rất mạnh ở vùng Cà Mau, Cái Nước. Năm 1940 đồng chí được cử làm bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, được xứ ủy chỉ định vào Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Bọn mật thám Pháp biết đồng chí là một cán bộ lãnh đạo của Đảng nên chúng ráo riết truy lùng nhưng với tinh thần cảnh giác, mưu trí, đồng chí nhiều lần thoát khỏi tay giặc.
Năm 1940 đồng chí cùng Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa Hòn Khoai tiến lên giải phóng toàn tỉnh. Để thi hành nghị quyết này, Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ huy quân sự tỉnh do đồng chí phụ trách. Sau khởi nghĩa Hòn Khoai địch khủng bố và truy lùng những chiến sĩ cách mạng, đồng chí tập hợp lực lượng vào rừng U Minh xây dựng căn cứ lập xưởng sản xuất vũ khí tiếp tục chiến đấu.
Năm 1941 đồng chí được cấp trên điều về xây dựng lực lượng ở Châu Đốc (lấy tên là Nguyễn Văn Chất), tháng 05/1941 đồng chí bị địch bắt tra tấn dã man nhưng đồng chí quyết bảo vệ tổ chức Đảng kể cả tên thật của mình. Đế quốc Pháp đã kết án đồng chí 20 năm tù, đày ra Côn Đảo.
Vì bị tra tấn dã man cộng với nhà tù khắc nghiệt, năm 1942 đồng chí đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí với cách mạng, Tỉnh ủy đã lấy tên đồng chí đặt tên huyện Trần Văn Thời. Ngày 03/02/1997 tượng Trần Văn Thời đã được long trọng khánh thành đặt tại công viên Hùng Vương thành phố Cà Mau.