- Lộ giới: 12,0m; Lòng đường: 6,0m, vỉa hè 3x2m, độ dài 230m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Hùng Vương, Khóm 4, phường 5; Điểm cuối: Giáp Chợ Phường 5, khóm 4, phường 5.
Đồng chí Chung Thành Châu sinh năm 1926, tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, tham gia cách mạng từ năm 1944. Hy sinh ngày 5/3/1968.
Quá trình hoạt động: Trước khi về nhận nhiệm vụ Đoàn phó Đoàn 962 kiêm Chính ủy đơn vị HN75 (sau này là bến Cà Mau – Đoàn 962), đồng chí là một trong là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau. Đồng chí là một trong những người mở bến Cà Mau – Đoàn 962 đầu tiên và có vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của các bến Đoàn 962.
Từ tháng 4 – 9/1962, cấp trên quyết định lấy Vàm Lũng và Kiến Vàng làm hai bến tiếp nhận chính vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam bộ. Trong thời gian ngắn, đồng chí Chung Thành Châu phối hợp với Đảng bộ, chính quyền địa phương vận động hàng trăm hộ gia đình di dời đi nơi khác, nhường chỗ cho đơn vị triển khai bến, kho tàng đảm bảo bí mật. Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Năm 1967, tàu 69 do thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước chỉ huy rời bến Vàm Lũng trở ra Bắc. Khi ra khơi thì đụng tàu địch, tàu 69 vừa chiến đấu vừa quay lại bến. Qua cuộc chiến đấu không cân sức với tàu địch, tàu 69 có một đồng chí hy sinh, 5 đồng chí bị thương. Đồng chí Chung Thành Châu có mặt chỉ đạo giải quyết cứu chữa cho thương binh, chôn cất liệt sĩ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của bến đề nghị Chính ủy Chung Thành Châu về sở chỉ huy, anh em ở lại sẵn sàng làm nhiệm vụ. Nhưng đồng chí Châu ôn tồn bảo: “Nhiệm vụ của cả bến bây giờ là ở đây. Tôi và các đồng chí cùng chiến đấu, quyết bảo vệ con tàu”.
Trong một lần khác, theo sự chỉ đạo của Đoàn 962, bến Cà Mau tổ chức 1 đại đội vận tải đường thủy, 1 đại đội vận tải đường bộ để vận chuyển vũ khí trang bị cho mặt trận Nam Sài Gòn và Quân khu 7. Đoạn đường của đại đội vận tải đường bộ tuy không dài, nhưng phải qua 4 con lộ do địch kiểm soát nghiêm ngặt và nhiều đồn bót nổi tiếng ác ôn. Sau khi thông qua kế hoạch tổ chức vận chuyển, đồng chí Châu đánh giá đây là tuyến đường vận chuyển khó khăn, nguy hiểm, có thể xảy ra nhiều tình huống phức tạp mà không thể lường trước. Vì vậy, đồng chí đã trao đổi với chỉ huy để đồng chí đi cùng chuyến vận chuyển đầu tiên. Kết quả, đại đội đã thực hiện tốt kế hoạch chuyến vận chuyển. Đồng chí Châu đã kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo đại đội cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, làm tốt công tác vận động quần chúng nơi đóng quân; công tác trinh sát nắm tình hình địch phải chặt chẽ hơn.
Năm 1968, khi chiến dịch Mậu Thân bắt đầu, Quân khu 9 điều đồng chí Châu và 1 tiểu đoàn tham gia đánh vào thị xã Cà Mau đợt II. Lúc này đồng chí Châu vừa là Phó Ban chỉ huy thống nhất mặt trận phía Nam Cà Mau, vừa là Chính ủy, chỉ huy đơn vị đánh thọc sâu vào thị xã Cà Mau theo chỉ đạo của tỉnh Cà Mau. Trên đường tiến công địch, chiều ngày 5/3/1968, đồng chí Châu anh dũng hy sinh. Với những thành tích đã đạt được, năm 2011, đồng chí Chung Thành Châu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Với tác phong sâu sát cơ sở và luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, đồng chí Chung Thành Châu là tấm gương sáng mẫu mực trong công tác, chiến đấu, ý chí nhiệt tình trong lãnh đạo. Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Đoàn 962, cho biết: “Anh Sáu Toàn (đồng chí Chung Thành Châu) trưởng thành từ phong trào cách mạng ở cơ sở nên dù ở cương vị nào, nét nổi bật nhất vẫn là gắn liền với quần chúng nhân dân. Còn đối với đơn vị, tình thương yêu đó giúp anh Sáu trở thành một Chính ủy rất gần gũi cán bộ, chiến sĩ, là chổ dựa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ những lúc khó khăn. Những lời khuyên bảo sâu sắc của anh Sáu Toàn đã làm cho sức chiến đấu của đơn vị dâng cao”.
Tập tin đính kèm 1
Tập tin đính kèm 2