Tiểu sử tóm tắt tên đường Nhân vật lịch sử Đề Thám
Thứ Năm, 11/04/2024 07:48
- Lộ giới: 15,0m; Lòng đường: 9m, vỉa hè 3x2m, độ dài 201m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Ngô Quyền, khóm 4, phường 2; Điểm cuối: Giáp đường Nguyễn Hữu Lễ, khóm 4, phường 2.
Đề Thám (1858 - 1913) là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tên thật là Trương Văn Thám, thời trẻ có tên Trương Văn Nghĩa, quê ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên sau lên ở làng Ngọc Cục, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ông vốn là một bộ tướng của nhóm nghĩa quân Trần Quang Loan hưởng ứng phong trào Cần Vương, sau theo giúp Cai Kinh, Đề Nắm đánh Pháp. Năm 1887 ông trở thành Đề lĩnh, lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế với chiến khu và địa bàn hoạt động gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Hóa, khiến cho quân Pháp kinh hoàng. Ông thường được gọi là Đề Thám với hỗn danh Hùm Xám Yên Thế. Suốt gần 30 năm, nghĩa quân Yên Thế do ông lãnh đạo lập khu tự trị, củng cố lực lượng, vũ khí, tiếp xúc với các nhà chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn khiến ông thêm quyết tâm kháng chiến đến cùng và quyết liệt hơn trước. Ông tổ chức thành lập Đảng Nghĩa Hưng và Trung Chân ứng Nghĩa Đạo do ông làm lãnh tụ. Từ đấy nghĩa quân có sự chỉ huy thống nhất, có đường lối đấu tranh hơn trước. Nhưng tiếc rằng, Đề Thám lại bị hai tên Trung Quốc - thủ hạ của Lương Tam Kỳ gia nhập nghĩa quân Yên Thế làm tay sai cho giặc ám hại, lấy thủ cấp của Đề Thám dâng cho thực dân Pháp để lĩnh thưởng. Ông mất tại một nơi cách chợ Gồ gần 2 cây số, hưởng dương 55 tuổi, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế bị dập tắt, nhưng ý chí đánh Pháp giành độc lập cho non sông đất nước vẫn sống mãi.