- Lộ giới: 20m; Lòng đường: 8m, vỉa hè 6x2m, độ dài 627m, kết cấu mặt đường Bê tông.
- Điểm đầu: Ngô Quyền, khóm 5, phường 1; Điểm cuối: Huỳnh Phi Hùng, khóm 5, phường 1.
Đỗ Thừa Luông (?-1875). Theo sử liệu ghi lại, trong thời thuộc Pháp, trước khi phong trào Cần Vương ra đời, nơi xứ U Minh xa xôi hẻo lánh, đã có người đứng lên chống Pháp. Đó là anh em Đỗ Thừa Luông (còn gọi là Long), Đỗ Thừa Tự (còn gọi là Ngươn). Hai anh em họ Đỗ là con của ông Đỗ Văn Nhân, cử nhân võ triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, gia đình ông ly tán tới miệt Lai Vung, Đồng Tháp. Theo chân các nghĩa quân yêu nước, hai anh em xuôi miệt Hà Tiên, nay là Cà Mau sinh sống. Nơi đây đất rộng, rừng cao, hoang sơ hẻo lánh, sản vật phong phú, con người trọng nghĩa khinh tài, kiên trung bất khuất.
Không chịu nổi cảnh áp bức dân lành của bọn thực dân Pháp và tay sai, hai ông đã tụ họp bạn bè, người thân và những nông dân quanh vùng Cái Tàu, cắt máu ăn thề đồng tâm khởi nghĩa. Họ thành lập Nghĩa Đoàn và Đỗ Thừa Luông được bầu làm Trưởng Đoàn, Đỗ Thừa Tự làm phó trưởng Đoàn, nhiều người khác phụ trách các chi nhánh ở các nơi. Trong đoàn quân của hai ông còn phải kể đến khí phách các ông: Hai Khoai, ông Hai Thầy Tu và người gốc Hoa, mọi người quen gọi là ông Lồng Bang.
Chưa đầy một tháng, đội quân đã lên đến khoảng 200 người. Lúc đầu nghĩa quân được vũ trang bằng dao, mác, mã tấu... hết sức thô sơ. Hai ông sử dụng chiến thuật du kích khéo léo và lợi dụng địa thế hiểm trở của rừng U Minh nên đã tạo được nhiều kết quả to lớn, có lần lấy được cả đại bác và tiêu diệt được nhiều tàu địch. Đến năm Nhâm Thân (1872) Nghĩa Đoàn đã chiếm cứ một vùng đất rộng lớn, từ rạch Cái Tàu đến An Biên (Rạch Giá), gần như cả vùng U Minh ở đâu cũng có bóng dáng của Nghĩa Quân. Nghĩa quân xây dựng căn cứ trên sông Cái Tàu. Rạch Hàn lớn, Rạch Hàn nhỏ là hai cảng có quy mô lớn, anh em họ Đỗ huy động nhân dân hàn sông để ngăn tàu giặc. Cũng trong năm đó, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn và đã bao vây tiêu diệt nghĩa quân.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, sĩ khí của hai ông đã làm cho quân thù khiếp sợ: Một tiếng súng nổ xé tan bầu không khí im lìm, mở màn một cuộc chiến không cân sức, Đỗ Thừa Luông thét lớn một tiếng thảm khốc, tên lính Pháp đang đứng gác ngã xuống vì bị dao găm phóng ra từ tay ông... Nghĩa quân liều mình chiến đấu, hai thanh mã tấu của Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự như hai con giao long đang vũ lộng thần oai giữa quân thù, dao đến đâu đầu rơi đến đó. Hai ông bị thương khắp mình, máu tuôn xối xả nhưng vẫn cố gắng vung dao chọc thủng vòng vây để đưa nghĩa quân ra ngoài. Nhưng sức người có hạn, mã tấu, dao găm không thể chống lại súng thép đạn đồng. Năm 1875, thực dân Pháp đưa anh em họ Đỗ ra xử tử hình tại huyện Châu Thành, Hà Tiên (nay là TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Năm 1925, con cháu hai ông đã di táng phần mộ về xã An Trạch, huyện Giá Rai, nay thuộc ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau.