Tiểu sử tóm tắt tên đường Nhân vật lịch sử Lê Lai
Thứ Năm, 11/04/2024 07:55
- Lộ giới: 9,0m; Lòng đường: 6m, vỉa hè 1,5x2m, độ dài 80m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Giáp đường Hoàng Diệu, khóm 3, phường 2; Điểm cuối: Giáp đường Lê Lợi, khóm 3, phường 2.
Lê Lai (? - 1419), danh tướng trung dũng trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh (Trung Quốc) (1418 - 1427). Có sách chép là Nguyễn Thân, sau phò Lê Lợi, đổi tên là Lê Lai. Quê làng Dựng Tú (Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hoá), dân tộc Mường. Đã cùng các em và con tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu. Là người đứng tên thứ hai trong danh sách hội thề Lũng Nhai (1416) chuẩn bị khởi nghĩa, ông cùng Bình Định vương và 17 tướng lãnh tâm phúc thề sống chết có nhau, được Lê Lợi trao chức Đô tổng quản, tước quan Nội Hầu. Cuối 1418, nghĩa quân bị bao vây ở núi Chí Linh (miền Tây Thanh Hoá). Ông đóng giả làm Lê Lợi xông ra phá vòng vây, hi sinh để Lê Lợi và nghĩa quân được giải thoát.
Nhớ công ơn Lê Lai, sau khi lên ngôi, Lê Lợi truy tặng ông là Đệ nhất công thần. Năm 1429, được truy phong là thái úy. Đời Nhân Tông, truy tặng là Bình chương quân quốc trọng sự (1443). Đời Thánh Tông, được truy tặng Thái phó, truy phong Trung túc vương. Lê Lợi thường nói: sau này ta mất đi, khi đến lễ giỗ ta, thì một ngày trước đó, phải cúng tế Lê Lai. Trong dân gian còn truyền tụng câu: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".