Tiểu sử tóm tắt tên đường Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường
Thứ Hai, 06/01/2025 08:30
-Lộ giới: 12m; Lòng đường: 6m, vỉa hè 3x2m, độ dài 147m, kết cấu mặt đường Nhựa.
- Điểm đầu: giáp đường số 2, khóm 4, phường 2; Điểm cuối: giáp đường Từ Thị Kiềng, khóm 4, phường 2.
Nguyễn Văn Tường (1824-1886), Ông quê ở làng An Cư, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đỗ Cử nhân, làm quan dưới triều vua Tự Đức, giữ nhiều chức vụ quan trọng về kinh tế, ngoại giao tại kinh thành và các địa phương, tỏ rõ là người cơ mưu, quyết đoán.
Vua Tự Đức trước khi mất (17/7/1883) để lại di chú lập Dục Đức lên nối ngôi, cử Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường làm Phụ chính đại thần giúp vua mới.
Với tinh thần chủ chiến triệt để, Tôn Thất Thuyết có sự đồng tình của Nguyễn Văn Tường đã loại bỏ các vua thân Pháp, đưa Hàm Nghi lên ngôi (8/1884), đồng thời ráo riết chuẩn bị lực lượng đánh pháp khi có thời cơ. Cuộc phản công đêm mồng 4 rạng sáng 05/7/1885 tại Huế không thành, Nguyễn Văn Tường dao động, không theo vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, ở lại cộng tác với giặc.
Thực dân Pháp bắt Nguyễn Văn Tường phải có biện pháp ổn định tình hình Huế trong vòng hai tháng, nhưng ông không thành công. Đầu tháng 9/1885, chúng đày ông ra Côn đảo, rồi đảo Tahiti (Thái Bình Dương). Ông mất tại đây, ít lâu sau hài cốt được đưa về an táng ở quê nhà.
Phòng Văn hóa và Thông tin TPCM