Tiểu sử tóm tắt tên đường Nhân vật lịch sử Phạm Thế Hiển
Thứ Năm, 02/01/2025 15:32
- Lộ giới: 12m; Lòng đường: 6m, vỉa hè 0m và 2x3,0m, độ dài 230m, kết cấu mặt đường nhựa và bê tông.
- Điểm đầu: giáp đường Trần Nguyên Hãn, khóm 9, phường 2; Điểm cuối: giáp Hẻm 82/14, khóm 9, phường 2;
Phạm Thế Hiển (1803 -1861), Ông quê làng Luyến Khuyết (nay là xã Thụy Phong) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Năm 1828 Ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ được triều đình trọng dụng, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong triều cũng như ngoài địa phương suốt ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông được vua Tự Đức rất trọng dụng đúng với tài năng. Ông được cử làm Tham tán quân thứ Gia Định, rồi Tuần phủ Gia Định, thự Tổng đốc hai tỉnh Gia Định – Biên Hòa, kiêm tham biện kinh lược, cùng Thống đốc quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương lo liệu mọi việc trong sáu tỉnh Nam Kỳ.
Trước âm mưu xâm lược Việt Nam của tư bản Pháp ngày càng lộ rõ, ông cùng với Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc An – Hà Cao Hữu Sung ra sức huy động binh lính và nhân dân củng cố các công trình phòng thủ, xây đắp thành lũy bảo vệ các cửa sông quan yếu ở Hà Tiên, Biên Hòa, Gia Định.
Năm 1858, Pháp nổ súng công phá Đà Nẵng. Vua Tự Đức điều ông từ Nam kỳ ra Quảng Nam lo việc chống giặc. Ông cho xây đồn, đắp lũy dọc bờ biển chặn không cho địch vào nội địa. Giặc Pháp cứ mỗi lần đánh vào đều bị quân dân ta đánh bật trở lại, thiệt hại rất nặng. Trong chiến thắng Đà Nẵng – Quảng Nam có công lao không nhỏ của ông.
Năm 1861, ông mất vì ốm nặng trên đường về kinh đô Huế báo cáo tình hình chống giặc.
Phòng Văn hóa và Thông tin TPCM