- Lộ giới: 16,0m; Lòng đường: 8m, vỉa hè 4x2m, độ dài 522m, kết cấu mặt đường bê tông.
- Điểm đầu: Giáp đường Đề Thám, khóm 4, phường 2; Điểm cuối: Giáp đường Phạm Văn Ký, khóm 4, phường 2.
Phan Châu Trinh (1872-1926), Chí sĩ, Danh sĩ, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã, sinh ngày 9 – 9 – 1872. Quê l. Tây Lộc, h. Tiên Phước, t. Quảng Nam (nay thuộc thôn Tây Hồ, x. Tam Phước, thị xã Tam Kì, t. Quảng Nam – Đà Nẵng).
Thân phụ ông là Phan Văn Bình làm Quản cơ sơn phòng, sau vào Nghĩa hội Cần Vương làm Chuyển vận sứ. Ông theo cha học chữ và học võ, sau khi cha mất (1887) ông trở về nhà bắt đầu học theo lối cử nghiệp. Năm Canh Tí 1900, đỗ Cử nhân (thứ ba) trường Thừa Thiên năm sau đó đỗ Phó bảng và được bổ làm Thừa biện bộ Lễ.
Năm 1908 phong trào Duy Tân lên mạnh mà đỉnh cao là vụ chống thuế ở miền Trung xuất phát từ tỉnh Quảng Nam, thực dân và triều đình Huế cho là ông khởi xướng, bắt ông tại Hà Nội, giải về Huế, rồi kết án đày đi Côn Đảo. Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, ông được trả tự do trước hạn tù đưa về quản thúc ở Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) vào năm 1911. Ngay trong năm này, do yêu cầu của ông, chính quyền Đông Dương buộc lòng chấp nhận cho ông sang Pháp.
Tại Pháp, ông liên lạc mật thiết với Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường. Tại đây ông làm nghề chữa ảnh để mưu sinh và nuôi con là Phan Châu Dật ăn học; Chẳng bao lâu con bịnh mất, ông mang vết thương lòng.
Năm 1914, ông bị chúng bắt giam ở ngục La Santé vì tình nghi tư thông với Đức ngót 9 tháng mới được thả.
Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội Khải Định 7 điều và khuyên vua về nước gấp đừng làm nhục quốc thể (quen gọi là Thất điều trần hay Thư thất điều).
Năm 1925, ông trở về nước, ngụ ở Sài Gòn diễn thuyết hai lần, rồi lâm bệnh mất tại đây vào ngày 24 – 3 – 1926, hưởng dương 54 tuổi.