Tiểu sử tóm tắt tên đường: nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo (1231-1300)
- Độ dài 4.000m, kết cấu mặt đường nhựa.
- Điểm đầu: Lý Thường Kiệt, khóm 1, phường 6; Điểm cuối: Cầu Cái Nhúc, khóm 1, phường Tân Thành
+ Lộ giới: 28,0m; Lòng đường: 15,0m, vỉa hè: 5,0m đến 8,0m; đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Phan Ngọc Hiển.
+ Lộ giới: 25,0m; Lòng đường: 15,0m, vỉa hè: 2x5,0m; đoạn từ đường Phan Ngọc Hiển đến đường 3 tháng 2.
+ Lộ giới: 40,0m; Lòng đường: 25,0m, vỉa hè: 2x7,5m; đoạn từ đường 3 tháng 2 đến đường cầu cái Nhúc; khoản lùi xây dựng: từ 3,0m đến 12,0m.
TRẦN HƯNG ĐẠO (1231 – 1300)
Trần Hưng Đạo là tên dân gian thường gọi Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1231 – 1300). Ông là nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, anh hùng của dân tộc. Ông là con của An sinh vương Trần Liễu. Công chúa Thụy Bà, em ruột Trần Liễu đã đem ông về nuôi như con mình, lớn lên mặt mũi khôi ngô, thông minh hơn người, văn võ đều giỏi lại có lòng yêu dân, yêu nước sâu sắc.
Năm 1258, quân Mông Cổ tiến vào nước ta, ông được vua Thái tông cử làm Tiết chế, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Sau chiến thắng đầu tiên, triều Trần rất tin tưởng vào khả năng quân sự của ông. Năm 1284, Nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, ông lại được cử làm Tiết chế Quốc công thống lĩnh các lực lượng quân sự, lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ông đã tiến hành cuộc tổng duyệt binh ở bến Đông Bộ Đầu (Bắc Hà Nội). Các vương hầu đưa quân bản bộ về tham dự. Trong cuộc tổng duyệt binh này, ông đã đọc bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng, nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của mình, kích động lòng yêu nước trong quân sĩ, cổ vũ họ xông vào chiến đấu vì nước, vì dân. Sau đó, ông phân công các tước đưa quân đi phòng vệ các nơi hiểm yếu. trong những ngày chuẩn bị, ông cũng góp phần hòa giải các mối nghi ngờ trong dòng họ, đoàn kết hơn nữa lực lượng lãnh đạo. Quân nguyên tấn công nước ta từ hai phía nam và bắc. Tình thế hết sức nguy ngập, ông buột phải cho quân ta vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, mặt khác cùng hai vau Trần rút về phía Nam, kêu gọi nhân dân ở các vùng giặc đi qua. Kể cả Thăng Long thực hiện chiến thuật “vườn không nhà trống”. Thượng hoàng Thánh tông lo lắng, hỏi ông xem có nên hàng hay không, ông đã khảng khái trả lời: “bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã, rồi hày hàng!”. Từ đó, hai vua Trần yên tâm cùng ông chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trên đường từ Thiên Trường (Nam Định) lên vùng biển đông bắc để tránh sự truy đuổi của giặc, ông một mình hộ vệ hai vua, tay cầm một chiếc gậy đầu bịt sắt nhọn, một số người có ý hơi lo ngại, ông biết vậy bèn vứt mũi nhọn đi. Tháng 5/1285, thấy thời cơ đã đến, sau khi bàn bạc cẩn thận, ông cho lệnh tổng phản công. Quân sĩ và nhân dân cùng phối hợp đánh cho giặc Nguyên tan tành ở các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp đuổi chúng ra khỏi bờ cỏi.
Năm 1288, vua Nguyên cho quân tướng sang đánh trả thù. Vua Trần hỏi ông: “Năm nay thế giặc ra sao?”, ông đáp: “Năm nay giặc đến dễ đánh”. Nắm được chổ mạnh và chổ yếu của giặc, ông quyết định giáng cho chúng một đòn quyết định. Chiến dịch Bạch Đằng được chuẩn bị. Tháng 4/1288, toàn bộ lực lượng thủy quân của giặc do Ô Mã Nhi chỉ huy đã bị tiêu diệt trên sông Bạch Đằng. Bộ binh của chúng bị truy đuổi đến tận biên giới. Thất bại nặng nề trong cuộc xâm lược lần thứ ba đã buộc nhà Nguyên phải từ bỏ mưu đồ xâm chiếm nước ta. Ông được vua Trần phong chức Đại Vương.
Không ham phú quý, danh vọng và quyền hành, ông xin về Thái ấp Vạn Kiếp sống những năm tháng cuối đời tuy không lúc nào quên phòng thủ đất nước.
Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự thiên tài mà còn là một người có đạo đức trong sáng. Sử cũ còn ghi lại, khi Trần Liễu – cha ông – sắp mất vẫn còn hận vì chuyện ngôi vua, cầm tay ông trối trăng: “Con không vì cha mà lấy lại thiên hạ thì cha chết không nhắm được mắt!”. Ông rất thương cha, nhưng không cho điều đó là phải. Năm 1300, ông bị bệnh nặng. Vua Trần Anh Tông đã đến thăm, nhân đó hỏi: “Chẳng may giặc phương Bắc lại đến thì làm thế nào?”. Ông nói: “Khoan thư sức dân để làm thế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước!”
Tháng 9 năm đó, ông mất ở Vạn Kiếp. Vua Trần đã truy tặng ông chức Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Công, tước Nhân võ Hưng Đạo Đại vương. Các con của ông đều là những danh tướng lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Nguyên. Ông còn là tác giả bộ sách quân sự Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư.