Nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có công việc ổn định, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, Công an TP Cà Mau luôn nắm bắt tình hình hoạt động, tâm tư, nguyện vọng, thuận lợi, khó khăn của người chấp hành xong hình phạt tù để phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thống nhất biện pháp giáo dục, giúp đỡ, thực hiện kế hoạch tái hòa nhập với cộng đồng. Thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, Công an thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình tái hoà nhập cộng đồng.
UBND Phường 5 biểu dương cá nhân có thành tích tốt trong công tác tái hoà nhập cộng đồng.
Phường 5 là đơn vị thực hiện mô hình điểm “Hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”. UBND phường phối hợp với lực lượng công an tiến hành khảo sát người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú. Hiện tại phường có 136 người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó có 90 người có việc làm, số còn lại đang tìm việc. Sau thời gian thực hiện mô hình, đến nay, Công an thành phố đã hỗ trợ bước đầu cho 3 đối tượng với kinh phí hơn 30 triệu đồng.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, ông Huỳnh Tấn Đạt (Khóm 3, Phường 5, TP Cà Mau), người vừa chấp hành xong án phạt tù, mở một cơ sở kinh doanh gần trường học để bán hủ tiếu và bán bánh… Có nguồn thu nhập mỗi ngày, cuộc sống của gia đình ông dần ổn định hơn. Nhờ sự quyết tâm và ý chí của mình, ông Đạt đã trở thành trụ cột gia đình và là một công dân có ích cho xã hội. Ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ: “Thời gian qua, cán bộ địa phương nhiệt tình giúp đỡ cho tôi từ khi tôi trở về địa phương, giúp tôi trở thành người có trách nhiệm với gia đình. Bản thân tôi sẽ cố gắng làm ăn để đáp lại sự giúp đỡ của địa phương, không phụ lòng mọi người đã quan tâm, hỗ trợ tôi”.
Lực lượng công an và chính quyền địa phương đến thăm hỏi động viên, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình tái hòa nhập cộng đồng luôn phối hợp với chính quyền địa phương, thường xuyên trao đổi, hướng dẫn hoạt động, thực hiện hiệu quả công tác cảm hóa, giáo dục các đối tượng… Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng để có hướng quản lý, động viên, giúp đỡ, từng bước giúp họ trở thành người công dân tốt. Để mô hình này thực sự có hiệu quả, Công an thành phố đã thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa của công tác tái hoà nhập với cộng đồng, từng bước tham gia, ủng hộ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù xoá bỏ tự ti, mặc cảm, phấn đấu tham gia lao động, hạn chế việc tái phạm tội.
Ông Hồ Thanh Hiếu, Phó trưởng Khóm 3, Phường 5, phấn khởi: Khóm đang làm thủ tục liên kết với ngân hàng để hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn làm ăn, từng bước phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Rất mừng khi những người lầm đường lỡ bước hiểu được chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quay về địa phương sinh sống làm ăn, trở thành công dân có ích cho xã hội.
TP Cà Mau hiện có 1.264 đối tượng đang được ân xá. Mô hình này sẽ mở ra niềm hi vọng mới giúp họ tạo lập cuộc sống cho bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội. Trung Tá Nguyễn Văn Tư, Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an TP Cà Mau, cho biết: “Qua sơ kết 1 năm thực hiện, mô hình này bước đầu có hiệu quả. Năm 2024, công an thành phố sẽ nhân rộng mô hình ra các xã phường còn lại. Sắp tới, công an thành phố sẽ hướng dẫn người tái hoà nhập với cộng đồng vay vốn theo Quyết định số 22 của Chính phủ”.
Công tác tái hoà nhập cộng đồng vừa là hoạt động quản lý Nhà nước vừa là hoạt động mang tính xã hội, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội… trong đó, lực lượng Công an Nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Công tác này góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.