Đến Ấp 5, xã Tân Thành, hỏi thăm, không ai không biết đến chị Cao Thị Bạch, bởi chị không những là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó mà còn nổi tiếng với nghề làm khô, làm chả tôm, tôm ép... Đặc biệt, mặt hàng khô thịt heo và tôm ép của chị rất thơm ngon và đã được thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP.
Được trò chuyện cùng chị, tôi thật sự cảm phục trước nghị lực không phải ai cũng có thể làm được. Chị gần như là trụ cột của gia đình, bởi mấy mươi năm nay anh Dương Văn Út (chồng chị) phải chống chọi với bệnh tật. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ việc làm các loại khô, chả… của chị.
Chị Bạch lấy chồng năm 1997, cuộc sống lúc đó rất khó khăn. Gia đình chồng đông anh em nên không dư dã gì. Chồng chị lại mang bệnh tật trong mình nên không làm được việc nặng. Kinh tế chủ yếu dựa vào mười mấy công vuông. Không đầu hàng trước hoàn cảnh, với bản tính chịu thương, chịu khó, chị làm đủ thứ công việc từ cắt cá mồi, làm khô, làm mắm… đến may mùng bỏ mối nhưng cuộc sống vẫn không cải thiện được nhiều.
Trong một lần, chồng chị đi phụ việc, mua khô thịt heo về ăn, thấy ngon và lạ miệng nên chị đã tìm học công thức. Cơ duyên đến với nghề làm khô heo của chị Bạch cũng bắt đầu từ đó. Để sản phẩm làm ra có hương vị đặc trưng riêng, chị Bạch không áp dụng rập khuôn công thức học được mà thử nghiệm sáng tạo với công thức riêng và chị đã thành công.
2 sản phẩm, khô thịt heo và tôm ép của chị Bạch được thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh Hồng Thía
Ban đầu chủ yếu làm cho gia đình sử dụng, tặng, biếu cho người thân, bán cho hàng xóm. Khô của chị làm ra thơm ngon nên dần dà được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng cũng ngày một tăng theo. Nhờ làm khô thịt heo mà thu nhập của gia đình từ đó ổn định hơn. Hiện tại, bình quân mỗi năm, chị làm từ 700 - 800kg khô thịt heo.
Không chỉ có khô thịt heo, mặt hàng tôm ép của chị cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng, bởi chất lượng sản phẩm, tôm mềm, thịt ngọt. Chị Bạch cho biết: Để làm tôm ép ngon thì tôm phải tươi, phải kiểm nghiệm chất lượng trước khi xuất bán. Tôi chỉ chọn nguyên liệu từ tôm nuôi tự nhiên.
Ngoài ra, chị còn làm chả tôm, các loại cá khô, các loại bánh mứt… Ai đặt gì, chị làm món đó. Làm bằng cái tâm nên mỗi sản phẩm chị làm ra đều ngon, chất lượng và được mọi người ủng hộ. Lợi nhuận bình quân trên 60 triệu đồng/năm. Nhờ cần cù, tiết kiệm tích lũy mà chị đã sửa sang được căn nhà khang trang, rộng rãi, lo trị bệnh cho chồng và chăm lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Con trai lớn của chị đã tốt nghiệp đại học, còn đứa út đang học năm nhất.
Chị Bạch tâm sự: “Mỗi sản phẩm làm ra, tôi đều đặt chỉ tiêu chất lượng lên trên hết. Tất cả nguyên liệu đều tươi và chất lượng được kiểm định, tuy lãi thấp nhưng người tiêu dùng sử dụng an toàn, việc kinh doanh cũng lâu dài hơn. Hiện tại, trên thị trường có nhiều người làm khô heo và tôm ép. Tham gia OCOP để sản phẩm của mình có thương hiệu, không bị lẫn lộn với các sản phẩm khác, giữ được uy tín về chất lượng.”
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành Trần Như Thảo cho biết: “Chị Bạch là tấm gương điển hình vượt khó phát triển kinh tế của phụ nữ xã. Các mặt hàng của chị còn được tham gia trưng bày tại các hội chợ do tỉnh tổ chức. Hy vọng việc tham gia OCOP sẽ giúp cho sản phẩm của chị được nhiều người biết đến. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn để chị đầu tư máy hút chân không, giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Đồng thời hỗ trợ các điều kiện để được đánh giá, nâng hạng sản phẩm”.