Không có được cơ thể lành lặn như bao người khác, nhưng chị Lê Thị Loan (ngụ Khóm 5, Phường 1, TP Cà Mau) luôn nỗ lực vừa nuôi sống bản thân vừa chăm lo cho gia đình. Không chỉ vậy, chị còn miệt mài truyền lửa về tinh thần nhân hậu, sẵn sàng hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ.
Chị Loan là con gái út trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em, nhà ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Lúc chào đời, chị Loan cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Khi được 2 tuổi, chị bị sốt, để lại di chứng bại liệt 2 chân. Để mưu sinh, cha mẹ dẫn chị Loan cùng các anh chị bôn ba khắp nơi, rồi chọn Phường 1, TP Cà Mau làm điểm dừng chân.
Nhà trọ gần trường. Hàng ngày thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường nên Loan năn nỉ cha mẹ cho đi học. Hàng ngày, cha mẹ thay phiên cõng Loan đến lớp. Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, thầy cô, bạn bè cùng bản tính siêng năng, chăm chỉ nên thành tích các năm học Tiểu học, Trung học cơ sở của Loan đều đạt loại giỏi.

Dù đôi chân tật nguyền nhưng chị Loan vẫn đảm đang nấu ăn cho cả gia đình.
Lúc nhỏ muốn di chuyển, Loan được người thân ẵm bồng nhưng càng lớn thì rất bất tiện. Sự khác biệt về ngoại hình khiến Loan bị bạn bè trêu chọc và rơi vào tự ti, trầm cảm. Thế nhưng nhờ sự ủng hộ của gia đình, chị bắt đầu có thái độ sống tích cực. Bởi với chị, nỗi sợ hãi mới là khuyết tật lớn nhất, còn hơn cả khuyết tật đôi chân. Ban ngày Loan học thêm Tiếng Anh và học kết hoa vải. Ban đêm, Loan dạy kèm văn hóa và Tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo trong xóm.
Nhờ sự chỉ dạy tận tình của “cô giáo khuyết tật” Lê Thị Loan nên thành tích học tập của không ít học sinh trong xóm được cải thiện. Cha mẹ của các trẻ vui một, chị Loan vui gấp bội vì vừa thực hiện ước mơ làm cô giáo, vừa giúp được trẻ em nghèo trong xóm có kiến thức.

Chị Loan luôn cận kề và dạy dỗ con trai học thật tốt.
Chị Loan có 1 người con trai là bé Lê trọng Hiếu là kết quả tình yêu của chị và anh Võ Văn Til. Chị kể: “Từ lúc nhỏ, với khiếm khuyết của đôi chân, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện mình sẽ có chồng, nói chi là có con. Thế nhưng, ông mai bà mối đã se duyên và vợ chồng tôi có với nhau một người con trai. Để nuôi con, tờ mờ sáng tôi đã gửi con cho người quen nhờ trông, rồi ngồi lăn xe đi bán vé số”.
Chị Loan cho biết thêm, nếu không có nghề bán vé số thì không biết cuộc sống gia đình mình sẽ ra sao, vì người khuyết tật rất khó tìm được việc làm phù hợp. Mỗi ngày chị bán gần 100 tờ vé số. Hôm nào may mắn có người ủng hộ nhiều thì được về sớm với con. Trải qua bao sóng gió, gia đình nhỏ của chị Loan giờ đong đầy hạnh phúc. Mong muốn lớn nhất của chị Loan là đời con sẽ khác mẹ cha.
Bà Lê Hồng Lạt, Chủ tịch Hội LHPN Phường 1, ngợi khen nghị lực và nhân cách sống của chị Lê Thị Loan: “Bản thân tôi từng là bạn học của chị Loan từ thuở nhỏ nên biết chị học rất giỏi, nghị lực sống rất mạnh mẽ, thích tự lập, không trông chờ ỷ lại. Sống ở địa phương thì luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đáng trân trọng là Loan sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những cụ già neo đơn hoặc những người cùng cảnh ngộ trong khả năng. Với tôi, chị Loan thực sự là tấm gương để chị em phụ nữ noi theo”.
Mặc dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng chưa bao giờ chị Loan than thân trách phận, hay có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, mà luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chị Lê Thị Loan được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Chị xứng đáng là điển hình trong học tập và làm theo lời Bác khi truyền cảm hứng, nghị lực để người khuyết tật tìm thấy tia sáng trong bóng tối, thắp lên niềm tin, hy vọng ở tương lai.