Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Thành phố đã tập trung cả hệ thống chính trị từ thành phố đến các xã quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Mô hình trồng rau sạch tại xã An Xuyên
Bước đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bình quân đạt 8 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,5 triệu đồng/năm; hộ nghèo chiếm 5,29%; cầu, lộ giao thông nông thôn; trường học; trạm y tế chưa đảo bảo nhu cầu lưu thông và sinh hoạt của người dân nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn.
Qua 8 năm triển khai thực hiện, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, vóc dáng nông thôn mới đang được hình thành, bộ mặt nông thôn ngày càng có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng như: đường giao thông xóm ấp, trường học, trạm y tế… được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ngoài việc xây dựng, kết cấu hạ tầng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện hơn, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình, góp phần làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn.
Qua 8 năm triển khai thực hiện, Thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh, đã đầu tư xây dựng mới 287.860m đường giao thông nông thôn, tổng số vốn đầu tư 171,843 tỷ đồng (trong đó: Trung ương 16,5 tỷ đồng, lồng ghép 155,338 tỷ đồng), thi công nạo vét hoàn thành 247 công trình thủy lợi, đầu tư 07 trạm bơm tại xã An Xuyên và xã Lý Văn Lâm, xây dựng hoàn thành 06 trụ sở xã, 13 trường đạt chuẩn quốc gia, 05 trung tâm văn hóa thể thao xã. Đường trục xã và liên xã đã được bê tông hoá 45,8km, đạt 100%; đường trục ấp bê tông hoá được 288/335km, đạt 85,9%; đường ngõ, xóm đã bê tông hóa được 101,164/204,066km, đạt 49,5%.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình tôm siêu thâm canh; dưa hấu VietGap, Rau VietGap, lúa tôm VietGap Lý Văn Lâm; mô hình lúa VietGap An Xuyên; mô hình gắn nông nghiệp với phát triển du lịch vườn tại Tắc Vân, phường tân thành, xã Tân Thành, Phường Tân Xuyên, phường 6,…Giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của đa số người dân nông thôn được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn thành phố Cà Mau năm 2018 đạt 41,8 triệu/người/năm, tăng 3 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,29% năm 2011 xuống còn 2,30% năm 2018.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2018 được 995,721 tỷ đồng. (Trong đó: Trái phiếu chính phủ: 12,294 tỷ đồng; Trung ương: 10,176 tỷ đồng; vốn lồng ghép: 388,248 tỷ đồng; vốn tín dụng: 76.331 tỷ đồng; vận động doanh nghiệp: 117,444 tỷ đồng; vốn dân đóng góp: 376,235 tỷ đồng; vốn khác: 14,993 tỷ đồng).
Đến nay, Thành phố được UBND tỉnh công nhận 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tắc Vân, Lý Văn Lâm, Tân Thành, An Xuyên, Định Bình); theo Kế hoạch đến cuối năm 2019 thành phố hoàn thành thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Đạt được kết quả đó chính là sự chỉ đạo kỳ quyết của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố các xã và sự đồng thuận cao của nhân dân.
Mô hình lúa Viet Gap tại xã Lý Văn Lâm
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền tuy sớm được triển khai nhưng chưa thực sự có chiều sâu và điểm nhấn. Nội dung tuyên truyền còn dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, các thông tin khác vẫn còn mang tính một chiều, chưa đáp ứng được các nhu cầu bức xúc của Nhân dân. Thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, chưa được liên tục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân. Một số chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa được cụ thể hóa nên khi vận động Nhân dân còn gặp trở ngại nhất là vận động Nhân dân chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo như sau:
Yêu cầu cả hệ thống chính trị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh phong trào thi đua “Thành phố Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới” nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” trong đó tập trung tuyên truyền các chủ đề trọng tâm như huy động các nguồn lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và những phần việc cơ sở, người dân phải thực hiện.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chủ yếu là ở cấp xã để cán bộ, công chức nhận thức cơ bản, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Từ đó có thể thực hiện nhanh chóng và bền vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.
Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ngoài tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các phòng, ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường tổ chức tuyên truyền trong toàn thể hội viên và thông qua hội viên tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng Nhân dân; tăng cường thời lượng phản ánh tin, bài viết về hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới của các tổ chức, đặc biệt là những bài nêu cách làm hay, mới, sáng tạo, hiệu quả vừa đẩy mạnh, vừa tạo sự lan tỏa sâu rộng các mô hình tiêu biểu “Dân vận khéo” trong phong trào xây dựng nông thôn mới;
Ban Chỉ đạo nông thôn mới các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo nhân rộng. Kịp thời tổng kết biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với việc biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh./.