Bên cạnh phát triển mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương, nông dân xã Tân Thành còn năng động tìm tòi, học hỏi, ứng dụng nhiều mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế. Mô hình trồng táo thái trong nhà lưới của anh Hồ Quốc Trạng (Ấp 6, xã Tân Thành, TP Cà Mau) là một trong những mô hình mới đang phát huy hiệu quả, tận dụng diện tích đất tăng thu nhập.
Trên diện tích 200m2 đất vườn, anh Hồ Quốc Trạng xây dựng hệ thống nhà lưới trồng 50 gốc táo thái. Để cây táo phát triển tốt, đạt nâng suất, chất lượng cao, anh mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác. Anh sử dụng giá thể hữu cơ để trồng và trang bị hệ thống tưới nước phun mưa tự động.
Ban đầu khi mới bắt tay vào trồng, anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Dần dần học hỏi qua các trang mạng và các nhà vườn trồng thành công, anh áp dụng vào thực tế sao cho phù hợp với vùng đất Tân Thành. Vì vùng này là đất phèn mặn, do đó phải chú ý kỹ khâu cải tạo đất. Qua thực tế, anh Trạng trồng bằng giá thể phân hữu cơ đem lại hiệu quả rất cao vừa có thể cải tạo độ phèn mặn vừa tạo được chất dinh dưỡng cho đất, cây trồng phát triển rất tốt, tiết kiệm được chi phí chăm sóc.
Cây táo thái thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất Tân Thành, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Diễm Trinh
Anh Hồ Quốc Trạng cho biết: Giá thể trồng cây táo thái chủ yếu là xơ dừa, tro trấu, trấu tươi, phân trùng quế, phân bò khô... Hiện tại mình có giá thể rồi thì khi cây táo đã phát triển và cho trái, hàng tuần, chủ yếu chỉ bón phân trùng quế, định kỳ 2kg/1 gốc. Bón đều thì được tạo chất dinh dưỡng cho đất, kích thích rễ sinh trưởng, cây sẽ phát triển khỏe mạnh. Ở đây, tôi trồng trong nhà lưới chỉ dùng phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, không sử dụng phân, thuốc hóa học.
Từ khi trồng (tháng 3/2021) đến nay, anh Trạng đã thu hoạch được 4 vụ. Nâng suất bình quân đạt đạt từ 350 – 400kg/vụ. Trái to, chắc thịt, giòn, ngọt, trọng lượng trung bình 8 – 10 trái/1kg, giá dao động từ 30 – 40 nghìn đồng/kg. Do anh trồng bằng phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học nên tạo được sản phẩm sạch, chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, nguồn cung không đủ cầu. Với 50 gốc táo thái, trừ vốn đầu tư, anh thu lợi nhuận bình quân trên 15 triệu đồng/vụ.
Hiện nay, vườn táo nhà anh Trạng đang ra trái đợt mới. Cây táo rất cần nước để trái đạt chất lượng nên mỗi ngày phải tưới 2 lần, sáng và chiều. Lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tự động rất tiện lợi, vừa tiết kiệm nhân công, thời gian, tiết kiệm nước mà vẫn đảm bảo cây phát triển tốt. Trung bình mỗi năm, cây táo thái ra trái và cho thu hoạch được 3 vụ. Do nguồn cung không đủ cầu nên thời gian tới, anh Trạng sẽ tiếp tục nhân rộng thêm diện tích trồng táo.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Cà Mau Trần Lung Lăng thông tin: Mô hình trồng táo thái của anh Hồ Quốc Trạng bước đầu đem lại hiệu quả cao. Trước đó, tại khu vực này chỉ là diện tích vườn tạp, đất nhiễm phèn mặn, không mang lại giá trị kinh tế. Cây táo thái thích nghi và phát triển rất tốt, cho trái to, ngon, ngọt, bán giá thành cao. Ngoài ra, đây còn là mô hình triển vọng có thể phát triển gắn với du lịch sinh thái nhà vườn, vừa giúp nông dân tiêu thụ được nông sản vừa có thể kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế các xã vùng ven thành phố.
Táo thái là loại cây trồng lâu năm, trồng một lần có thể cho thu hoạch được thời gian dài. Thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất phèn mặn Tân Thành, đây là loại cây trồng có thể giúp nông dân TP Cà Mau tận dụng đất vườn tạp, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.