Thành phố Cà Mau xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop)
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính (gọi tắt là OCOP), hơn hai năm qua, TP. Cà Mau đã triển khai chương trình OCOP đến các hộ dân đăng ký thực hiện, bước đầu chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhiều sản phẩm đặc trưng của các xã được thị trường chấp nhận,…
Nổi bật trong chương trình OCOP phải kể đến xã Lý Văn Lâm, đơn vị đi đầu đăng ký mỗi xã một sản phẩm. Cụ thể trong nhiều năm qua, nông dân xã Lý Văn Lâm đã đầu tư sản xuất trồng lúa theo chuẩn VietGAP, như: mô hình trồng lúa - tôm tại ấp Ông Muộn, của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - thủy sản ấp Ông Muộn xã Lý Văn Lâm, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha, tăng hơn canh tác thường 1,6 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm 10,9 triệu đồng/ha, đặc biệt sản phẩm là sạch đạt chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Tiếp, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp - thủy sản ấp Ông Muộn, cho biết: “Hợp tác xã đã triển khai mô hình trồng lúa đạt chuẩn VietGAP từ nhiều năm trước, sản phẩm lúa sạch được người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên, để sản phẩm lúa VietGAP được quảng bá nhiều nơi, Hợp tác xã đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm, để nâng tầm giá trị thương hiệu hạt gạo thơm từ lúa đạt chuẩn VietGAP vươn xa hơn”.
Phường 7 đăng ký chương trình OCOP có 3 sản phẩm của Công ty TNHH - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phúc Thịnh, gồm: Sản phẩm bánh phồng tôm NaCaMa 38% tổng hợp tôm; bánh phồng tôm sú và bánh phồng tôm đất, nguyên liệu đầu vào là vùng tôm sạch tự nhiên ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển. Được biết, thương hiệu bánh phồng tôm của cơ sở Phúc Thịnh được công nhận năm 2019, thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, tập trung nhiều ở miền Bắc. Công ty có 2 chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP là dịp để nâng tầm giá trị của sản phâm và mở rộng thị trường. Chị Lê Kiều Phương, chủ thể bánh phồng tôm Phúc Thịnh cho biết: “từ hiệu ứng OCOP mang là là giúp cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm hoàn thiện, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra thị trường thế giới”.
Được biết, qua gần hai năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP.Cà Mau đã xem xét so sánh với “Bộ tiêu chí mỗi xã một sản phẩm”, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, đã chọn được 5 dòng sản phẩm, với 7 sản phẩm, thuộc 4 đơn vị xã Lý Văn Lâm, phường 1, phường 7 và phường 8, bao gồm: Sản phẩm mật ong của cơ sở RUM CM phường 7; sản phẩm Rượu quý của công ty TNHH phát triển Xanh Việt phường 1; sản phẩm gạo thơm ấp Ông Muộn của Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp - thủy sản Ông Muộn xã Lý Văn Lâm; sản phẩm Rượu hương lúa xóm dừa của Công ty TNHH Nguyễn Gia phường 8 và 3 sản phẩm của Công ty TNHH - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phúc Thịnh phường 7 gồm: sản phẩm bánh phồng tôm NaCaMa; bánh phồng tôm sú và bánh phồng tôm đất. Các sản phẩm này được các thành viên của Hội đồng đánh giá đều đạt từ 3 sao trở lên, đủ điều kiện thông qua Hội đồng đánh giá cấp Tỉnh. Ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Trong thời gian qua, thực hiện chương trình OCOP, các xã, phường đã triển khai cho các chủ thể tham gia, tuy nhiên đến nay thành phố chỉ có 4 đơn vị xã, phường có sản phẩm tham gia, có lẽ đây là chương trình mới, nhiều xã, phường chưa am tường các quy trình nên chưa phối hợp đồng điệu với các chủ thể có sản phẩm, nên còn nhiều đơn vị xã, phường chưa có sản phẩm tham gia. Với tầm quan trọng của chương trình OCOP, cơ quan quản lý Nhà nước TPCM hết sức quan tâm đến vấn đề này và luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhiều chủ thể tham gia đăng ký, nhằm được đánh giá sản phẩm, nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm trên thị thị trường. Tới đây, Thành phố phối hợp tuyên truyền rộng rãi nội dung chương trình mỗi xã một sản phẩm, để có tất cả 17 xã, phường trên địa bàn Thành phố đều có sản phẩm thuộc chương trình OCOP”.
Nhìn chung, thực tế trên địa bàn TP. Cà Mau còn nhiều sản phẩm đặc trưng có thương hiệu từ lâu, nhưng chưa được đưa vào chương trình OCOP. Trong hướng tới, để triển khai và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, ngành chức năng cùng với UBND xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, tiêu chí, chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Thành phố về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, để các cấp các ngành và nhân dân thực hiện, góp phần xây dựng thương hiệu đặc trưng trên địa bàn TP. Cà Mau để quảng bá khắp nơi trên cả nước.