Mô hình trồng dừa không mới nhưng trồng dừa trên vùng đất cầm trâu quanh năm nhiễm phèn mặn mà lại cho thu nhập gần 300 triệu đồng trên năm quả là điều đáng quan tâm.
Ông Lâm Văn Hôn bên vườn dừa trên 700 gốc của gia đình
Đó là vườn dừa của ông Lâm Văn Hôn, khóm 6, phường 9 TP. Cà Mau. Đang vào cao điểm mùa nắng nhưng vườn dừa 700 gốc của ông rất tươi tốt. Và để có được những “trái ngọt” như ngày hôm nay thì người nông dân 55 tuổi này đã phải đổ bao công sức, bao giọt mồ hôi lên mãnh vườn.
Sau thời gian bôn ba với nghiệp biển trắng tay. Với quyết tâm vượt khó vươn. Năm 2004, ông Hôn mạnh dạn cải tạo 3,5 ha đất trũng nhiễm mặn đầy năn sậy thành từng bờ đất cao ráo. Rồi tìm mua 300 trái dừa giống loại xiêm lùn ở Bến Tre về trồng.
Cách làm của ông Hôn khiến không ít người tò mò tìm hiểu có cả lời cản ngăn vì nguồn nước cung cấp cho dừa từ các ao xung quanh vẫn rất mặn. Không nản chí. Ông Hôn toàn tâm, toàn lực chăm chút cho từng gốc dừa.
Đất không phụ công người. 3 năm sau. Dừa đơm hoa, cho ra những trái ngọt đầu tiên. Mừng đến cả rơi nước mắt. Ông Hôn tiếp tục trồng thêm 300 gốc loại dừa Mã Lai, dừa dâu. Và tất cả loại dừa ông trồng đều thích nghi tốt với vùng đất nhiễm mặn.
Ngoài kỹ thuật bón lót, đặt dừa giống có độ nghiêng, khoảng cách 3,5 mét để chúng không giao lá, …ông Hôn còn dày công nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, khả năng thích nghi của từng loại dừa.
Dừa là loại trái mà chuột rất thích nên chúng phá hoại rất dữ. Và đối với người trồng thì đây là nỗi ám ảnh. Xót dừa. Thay vì bẫy điện nguy hiểm người nông dân Lâm Văn Hôn nuôi mèo, đặt các thiết bị âm thanh phát ra tiếng mèo kêu khu vực trồng dừa để xua chuột. Ông nuôi thêm gà, ngỗng để ăn sâu bọ xung quanh gốc dừa,… Nhờ vậy, mà vườn dừa của ông quanh năm rợp bóng, sạch sẽ.
Ngoài chuột thì đuông, kiến vương… là những côn trùng ký sinh trên đọt dừa rất khó trị. Thay vì dùng hóa chất tiêu diệt chúng. Ông Hôn, sử dụng dầu nhị thiên đường (một loại dầu dùng trị cảm cúm ở người) phun xịt định kỳ mỗi tháng 2 lần khắp vườn dừa. Phương pháp này rất hiệu quả, ít tốn kém, nhất là đảm bảo được sức khỏe của người trồng dừa và người sử dụng nước dừa.
Nước dừa ngọt, đảm bảo chất lượng,.. tiếng lành đồn xa, khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến vườn dừa nhà ông mua dừa tươi, dừa giống ngày càng nhiều. Do, liên tục đặt hàng nên nguồn cung không đủ cầu.
Chị Trần Thị Thúy khách hàng, khóm 2, phường Tân Xuyên, chia sẻ: Bữa nay, tui lại nhà anh Hôn mua thêm 50 trái dừa giống nữa về trồng. Tổng cộng tui mua của anh 300 trái dừa giống rồi. Dừa đây chất lượng lắm.
Dừa thích hợp với thổ nhưỡng TP Cà Mau, giàu sức sống, chịu hạn mặn, ít tốn công. Ông Hôn xen thêm các loại cây cho trái giữa khoảng cách các gốc dừa. Dưới ao nuôi cá chình, cá bống tượng…để tăng thêm thu nhập. Sau trừ chi phí, huê lợi từ trồng dừa và nuôi cá mỗi năm cho ông Hôn thu nhập trên 500 triệu đồng.
Cuộc sống dư giả, con cái ăn học thành tài. Luôn được bà con chòm xóm thương yêu, chính quyền địa phương tin dùng thì ông Hôn lại càng trăn trở.
Do, hiện nay dừa mới bán được trái. Trong khi, các nguyên liệu như lá dừa, củi dừa, thân dừa, gáo dừa, xơ dừa dùng làm sản phẩm mỹ nghệ; nhất là cọng dừa có thể bó chổi tại vườn dừa nhà ông nhiều vô số nhưng bỏ đi thì rất uổng phí.
Nguyện vọng của người nông dân Lâm Văn Hôn, mong muốn doanh nghiệp, HTX đứng ra làm cầu nối giúp người nghèo, người khuyết tật có được nghề bó chổi dừa, sản phẩm từ vườn dừa nhà ông cung cấp lại cho thị trường. Nguyên liệu sẽ được ông cung cấp miễn phí.
Điều đáng quý ở người nông dân 55 tuổi Lâm Văn Hôn không chỉ cần cù, chịu khó mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng dừa cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh cùng làm giàu_ Anh Trần Văn Út, Phó chủ tịch Hội nông dân phường 9, nhận định.