Trong thời gian gần đây, giá cá bống tượng, cá chình trên địa bàn thành phố Cà Mau giảm mạnh, làm cho người nuôi cá lo lắng. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh covid -19, thương lái không mua hoặc mua cầm chừng, nhưng với giá cực thấp, vì không xuất khẩu được…
Hiện nay trên địa bàn thành phố Cà Mau có trên 2.800 hộ nuôi cá bống tượng cá chình, với tổng diện tích trên 300ha, tập trung nhiều ở các xã Tân Thành, phường Tân Thành và xã An Xuyên,… Nhìn chung, trong nhiều năm qua, phong trào nuôi cá bống tượng, cá chình trên địa bàn đã phát triển mạnh, nhiều hộ nông dân đã đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho việc nuôi cá, mô hình nuôi cá xã Tân Thành đã trở thành thương hiệu đặc trưng tại Cà Mau. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch covid -19, sản phẩm cá bống tượng, cá chình không xuất khẩu được, thương lái thu mua rất ít, hoặc mua cầm chừng chủ yếu là tiêu thụ nội địa, có lúc thương lái không thu mua, trong khi đó cá đã đến lứa thu hoạch, nông dân không bán được cá, đành giữ lại nuôi cầm chừng, trong khi cần bán thu hồi vốn để tái đầu tư. Ông Lê Ngọc Phé, ấp 4, xã Tân Thành, cho biết: “Từ khi có dịch bệnh, thương lái không thu mua cá nữa, giá rẻ, cho nên nông dân năm nay đối mặt với tình trạng thua lỗ, cụ thể như tui ước tính năm nay thu khoảng 700 - 800 triệu, nhưng thực tế đến nay chỉ thu được khoảng 300 triệu đồng”.
Nhận định tình hình bấp bênh về việc tiêu thụ sản phẩm cá bống tượng, cá chình của bà con nông dân trên địa bàn trong thời gian qua, ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành cho biết: “Với tình hình hiện nay, giá cá bống tượng cá chình rất rẻ, cá từ một ký trở lên thì giá dao động từ 150 - đến 200 ngàn, với giá này thì nông dân sẽ bị thua lỗ. Nói chung, trong thời gian dịch bệnh, các thương lái không mua nên cá chình cá bống tượng không xuất bán được, cho nên bà cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế”.
Theo nhiều hộ nông dân nuôi cá xã Tân Thành cho biết thêm, với tình hình tiêu thụ cá bống tượng, cá chình như hiện nay, người nuôi cá lỗ nặng, bởi bà con phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc nuôi cá cầm chừng, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí thức ăn. Hơn nữa, không biết đến khi nào hết dịch bệnh, thương lái mới mua cá trở lại và giá cá như thế nào, người dân nuôi cá rất lo lắng. Đặc biệt hơn là lúc này thời gian mùa khô, nước trong ao nuôi đã cạn kiệt, nắng nóng, dự báo mùa khô còn kéo dài, nên việc nuôi cá cầm chừng cho qua mùa hạn này có nguy cơ rủi ro rất cao, rãi rác ở xã Tân Thành cũng có vài hộ cá nuôi bị chết do khô hạn. Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành kiến nghị Hội nông dân cấp trên và phòng Kinh tế thành phố có kế hoạch hỗ trợ cho các hỗ dân bị thiệt hại do hạn hán và xin gia hạn những dự án đã được đầu tư từ nguồn vốn quỹ hổ trợ nông dân để bà con tiếp tục tái đầu tư cho mùa vụ sắp tới”.
Thành phố Cà Mau có tiếng là thương hiệu cá bống tượng, cá chình ở xã Tân Thành, từ mô hình nuôi cá bống tượng, cá chình này mà đã giải quyết cho rất nhiều lao động có việc làm tại địa phương, rất nhiều hộ đã giàu lên từ mô hình này. Năm nay, do ảnh hưởng của Đại dịch covid -19 và hạn hán đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của bà con nông dân nuôi cá, nhưng với sự quyết tâm đồng lòng, cùng với sự quan tâm hổ trợ của Nhà nước, bà con nuôi cá Thành phố Cà Mau sẽ vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển mô hình bền vững.