“Xác định công tác giảm nghèo là "chìa khóa" để nâng cao mức sống cho người dân, TP Cà Mau đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ tiền điện… để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.” Ông Lê Thành Nơi, Trưởng Phòng Lao động Thương binh & Xã hội TP Cà Mau, thông tin.
Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, TP Cà Mau chú trọng việc tuyên truyền các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, vai trò của chính quyền cơ sở, nhất là quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân.
Với thế mạnh nông nghiệp, những năm qua xã Lý Văn Lâm tập trung vào phát triển mô hình trồng lúa 2 vụ, trồng lúa kết hợp nuôi tôm, trồng rau màu, trồng dưa hấu trái vụ, trồng hoa vạn thọ, trồng lúa hữu cơ… Hầu hết, các mô hình và quy trình sản xuất nông nghiệp đều được bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi tôm giúp nông dân Lý Văn Lâm nâng cao giá trị nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững. Ảnh: Diễm Trinh
Ngoài ra, xã Lý Văn Lâm còn huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho Nhân dân được tiếp cận với các dịch vụ công cộng, thúc đẩy công tác giảm nghèo. “Từ năm 2015-2021, xã đầu tư xây dựng 14 tuyến đường với tổng chiều dài là 37,5km và 3 cây cầu giao thông. Nhờ hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, xã đã tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, vừa thực hiện công tác giảm nghèo. Hiện hộ nghèo theo chuẩn mới của xã còn 4 hộ, chiếm 0,065% và 21 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 0,34%”. Ông Trần Quyết Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết.
Hầu hết, các xã, phường trên địa bàn thành phố đều xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, từng địa phương đã thành lập ban chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững do chủ tịch UBND xã, phường làm trưởng ban, các ngành, đoàn thể là thành viên. Ban chỉ đạo phân công thành viên phụ trách ở từng ấp, khóm trực tiếp điều hành, chỉ đạo, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ để có định hướng, hướng dẫn cụ thể cho phù hợp. Hàng tháng, các thành viên báo cáo với trưởng ban chỉ đạo xã, phường về tình hình sản xuất của các hộ dân trong từng ấp, khóm được phụ trách theo dõi để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Mô hình trồng rau tại xã An Xuyên góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Bích Lệ
Bên cạnh thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thì công tác vận động hỗ trợ hộ nghèo cũng luôn được các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội, các nhà hảo tâm tức cực ủng hộ, giúp đỡ. Ông Trần Minh Lăng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cà Mau, cho biết.
Đến ngày 15/11, thành phố đã xây dựng và sửa chữa 72 căn Nhà tình nghĩa, 71 căn Nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 83.974 người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 theo Nghị quyết 68/NĐ-CP và Kế hoạch số 79/KH-UBND về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với số tiền hơn 134,5 tỷ đồng, hỗ trợ tiền thuê trọ cho gần 10.000 công nhân lao động, hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo (256 hộ nghèo). Ông Lê Thành Nơi, Trưởng Phòng Lao động Thương binh & Xã hội TP Cà Mau thông tin thêm.
Qua kết quả rà soát (sơ bộ) của các cơ quan chuyên môn, hiện toàn thành phố có 210 hộ nghèo, giảm 45 hộ so với cuối năm 2021, hộ cận nghèo 370 hộ, giảm 51 hộ. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân năm 2023, TP Cà Mau phấn đấu đào tạo nghề 3.000 lao động, giải quyết việc làm cho 5.900 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,38%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,65% .