Năm 2016, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh triển khai 3 mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn thành phố Cà Mau. Trong đó có mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước ở khóm 10, phường 6, thành phố Cà Mau. Mô hình này đang phát huy được hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập.
Trong đầm tôm, nông dân trồng các loại cỏ năng tượng, mắm, đướt để hỗ trợ sự phát triển của con tôm
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) ít thay nước được triển khai từ tháng 7/2016 dưới hình thức tổ hợp tác có quy mô 50 ha với 40 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 30% con giống ở lần thả đầu, tập huấn khoa học kỹ thuật mới và được kỹ sư hướng dẫn, theo dõi sự phát triển của con tôm để tư vấn kiến thức cho bà con.
Nuôi tôm QCCT ít thay nước có lợi thế là hạn chế ảnh hưởng của nguồn nước ô nhiễm từ bên ngoài, dễ cải tạo môi trường nước, quản lý tốt con giống, hạn chế mầm bệnh. Từ đó, tăng năng suất và chất lượng tôm nuôi. Sau 5 tháng triển khai mô hình, hiện nay tôm nuôi đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Anh Huỳnh Thanh Lãm, Chủ tịch Hội Thủy sản phường 6, thành phố Cà Mau cho biết “Do mình ít thay nước nên hạn chế được một phần dịch bệnh từ môi trường. Thứ hai, nông dân có áp dụng khoa học kỹ thuật, xữ lý ban đầu, có ô dèo tôm giống, sử dụng vôi, vi sinh để xử lý định kỳ nên đảm bảo tốt môi trường nuôi. Qua quá trình triển khai thì bà con rất đồng thuận”.
Gia đình ông Tiêu Văn Hiểu là một trong những hộ dân áp dụng rất hiệu quả mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước. Từ khi chuyển đổi hình thức nuôi mới, năng suất và chất lượng tôm nuôi tăng lên rõ rệt. Để nuôi tôm đạt hiệu quả thì cần gia cố bờ bao, tránh rò rĩ nước. Không lấy và xả nước thường xuyên như cách nuôi truyền thống, chỉ khi nào có mưa lớn hoạch nắng nóng làm mực nước trong đầm dao động, mới xả bớt hay lấy nước vào, đảm bảo độ sâu mặt đầm luôn từ 0,5m trở lên.
Định kỳ 2 tháng, ông Hiểu thả 2 ngàn con tôm giống. Trước khi thả giống, ông dùng men vi sinh để xử lý đáy và ổn định môi trường nước. Với 10 công đất nuôi tôm, hiện nay mỗi con nước ông thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng, có khi lên đến gần 10 triệu đồng, cao gấp 2, 3 lần với trước đây khi còn nuôi theo cách truyền thống. Ông Tiêu Văn Hiểu, chia sẻ “Lúc trước, mình nuôi tôm thì phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên thôi. Lúc có, lúc không bấp bênh lắm. Bây giờ được vào tổ hợp tác, được tập huấn, rồi áp dụng kiến thức đã học vào nuôi tôm thấy hiệu quả hơn nhiều. Con tôm nó phát triển mạnh hơn, nó đạt đầu con nhiều hơn, thu nhập của mình cũng cao hơn”.
Theo cách nuôi này, nông dân không cần cho tôm ăn. Trong đầm nuôi nên trồng thêm các loại cỏ năng tượng, mắm, đước… Các loại thực vật này vừa giúp cải tạo môi trường nước vừa là nơi trú ẩn và tạo ra nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn, đạt đầu con. Anh Dương Tấn Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi tôm QCCT khóm 10, phường 6, thành phố Cà Mau cho biết “Từ ngày chuyển đổi mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước thì bà con nông dân có học qua 4 lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư. Rồi mình áp dụng thì thấy hiệu quả lắm. Nâng suất và chất lượng con tôm tăng lên hẳn. Nếu mình làm đúng quy trình kỹ thuật thì thể nào thu nhập cũng tăng gấp đôi, ba lần so với nuôi truyền thống”.
Trước tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, nuôi tôm theo cách truyền thống ngày một bấp bênh, việc tìm hướng đi mới, giúp nông dân sản xuất có hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế sẵn có ở địa phương là rất cần thiết. Mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước hiện nay là một lựa chọn thích hợp.