Từ hộ đầu tiên, đến nay, nghề tách thịt cua ở xã Hòa Tân, TP Cà Mau có 4 hộ tham gia. Cái hay của mô hình là giúp gần 20 phụ nữ đang loay hoay tìm kế sinh nhai có được việc làm quanh năm, thu nhập ổn định. Mô hình này còn góp phần cùng địa phương hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng xã NTM.
Mô hình "Tách thịt cua" của bà Trần Thị Ngộ, ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân giúp nhiều phụ nữ trong ấp có việc làm
Bà Trần Thị Nương, 62 tuổi, ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP.Cà Mau được xem là người tiên phong tạo ra một nghề tách thịt cua độc đáo đem lại thu nhập khá cao cho gia đình và nhiều hội viên khác.
Trước đây, gia đình bà Nương sinh sống bằng nghề thu mua cua thịt. Sau khi phân loại cua đạt kích cỡ, trọng lượng giao cho thương lái. Còn khá nhiều cua dạt (yếu, rụng càng, gãy ngoe...). So với cua gạch, cua y thì cua dạt giá trị thấp. Bà Nương nảy sinh ý định lấy số cua dạt tách lấy thịt cung cấp cho quán ăn, nhà hàng, nhóm nấu, cửa hàng nấu cháo dinh dưỡng,...
Năm 2010, bà Nương thăm dò thị trường cùng nhờ người quen chào bán cua thịt đã qua sơ chế tại TP Hồ Chí Minh. Thịt cua Cà Mau ngon, ngọt, chắc sau vài lần chào bán, khách hàng bắt đầu ưa chuộng.
Nhiều lúc, lượng hàng không đủ cung cấp nên bà Nương huy động hết nhân lực trong nhà, thuê thêm người, hoạt động từ sáng sớm tới tận đêm khuya.
Công việc sơ chế thịt cua cũng khá đơn giản. Hàng ngày, thương lái thu gom giao cua dạt. Tôi rửa sạch, cho vào nồi nước sôi luộc chín, để nguội rồi cho vào tủ đông cho cua xoăn thịt lại. Sau đó, dùng dao có mũi nhọn tách thịt cua ra thành các loại, gồm: gạch son cua, gạch giá cua, thịt ngoe cua, thịt mấu cua, thịt cua trắng, thịt càng cua..._Bà Trần Thị Nương, ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP.Cà Mau, hướng dẫn.
Trong các loại, thì gạch cua có giá trị cao nhất, dao động từ 600-700 ngàn đồng/kg. Thịt ngoe cua có giá dao động từ 200-250 ngàn đồng/kg. Riêng mai cua có giá 2.000 đồng/cái. Bình quân 5 kg cua sống cho ra 1 kg cua thịt. Bà Nương tính toán, mỗi kg cua dạt có giá 70.000 ngàn đồng. Sau khi sơ chế, trừ hết các khoản chi phí 5 kg cua dạt, bà sẽ lãi hơn 50.000 ngàn đồng.
Bình quân, tổ sơ chế cua thịt của gia đình bà Nương mỗi ngày sơ chế từ 50- 100 kg cua sống. Trừ hết chi phí, mỗi ngày lợi nhuận từ sơ chế cua thịt giúp bà Nương cầm trong tay gần 1.000.000 đồng.
Để giữ mối, ngoài giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Nương luôn đặt uy tín lên hàng đầu. Nhờ đó, lượng hàng khách yêu cầu ngày càng nhiều. Nhất là dịp lễ tết, tổ sơ chế cua thịt của bà hoạt động hết công suất mới đáp ứng được đơn đặt hàng.
Thấy việc sơ chế thịt cua khá đơn giản nhưng đem lại thu nhập khá, bà Trần Thị Ngộ ngụ cùng ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân cũng thành lập tổ sơ chế thịt cua tại nhà vào năm 2016. Được bà Nương nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm đã giúp cho bà Ngộ tự tin sơ chế cua thịt đáp ứng đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh.
Mỗi ngày, tôi sơ chế hơn 100 kg cua sống. Thu lãi hơn 1000.000 đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 3 phụ nữ địa phương. Công việc này khá nhẹ nhàng_ bà Trần Thị Ngộ ngụ cùng ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP Cà Mau, chia sẻ.
Công việc tách thịt cua không khó, chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn là bất kỳ ai cũng có thể làm được. Hàng ngày, sắp xếp công việc nhà bà Nguyễn Thị Hai tranh thủ lại nhà bà Ngộ phụ tách thịt cua. Mỗi tháng bà kiếm được 3000.000 đồng.
Vừa thoăn thoắt đôi tay tách thịt ra khỏi mình cua. Bà Nguyễn Thị Hai, ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP Cà Mau nói như khoe: Tui mần ở chỗ bà Ngộ cũng được gần 2 tháng rồi. Công việc cũng nhẹ nhàng. Mần vui lắm, giống như hàng ngày họp mặt chị em trong gia đình vậy đó. Lại có tiền trang trải chi phí trong gia đình, chứ tui có tuổi vầy đi chỗ khác ai mà mướn làm.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó chủ tịch HLHPN xã Hòa Tân, nhận định: Mô hình sơ chế thịt cua của phụ nữ ấp Bùng Binh 2 thành lập gần 6 năm.Hiện 4 tổ hoạt động rất hiệu quả. Mỗi tổ có 5 chị. Thuận lợi là giúp các chị có thu nhập ổn định tuy nhiên hiện nay nguồn cua sống không đủ cho các tổ sơ chế nên gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các chị. Nếu như đủ nguồn cung, phụ nữ xã xem xét để tạo điều kiện nhân rộng mô hình ra cho các chi hội khác trong xã.
Mô hình sơ chế cua thịt của phụ nữ xã Hòa Tân không chỉ giúp nhiều hội viên có việc làm và thu nhập, hoạt động của phụ nữ nơi đây còn góp phần quảng bá thương hiệu cua biển Cà Mau đến với mọi người.