Xã Lý Văn Lâm có diện tích trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm nhiều nhất TP Cà Mau. Mô hình kết hợp này duy trì hơn 10 năm nay và luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Quyết Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, thông tin: “Hiện nông dân xã đã xuống giống 182/180 ha diện tích một vụ lúa – tôm”.
Anh Lâm Hoàng Niêm (ấp Ông Muộn) có thâm niên hơn 10 năm trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm, cho biết: “Thời tiết năm nay rất thuận lợi trồng lúa và nuôi tôm. Vụ này tôi tiếp tục thực hiện theo quy trình lúa hữu cơ, bình quân 1.000m2 đất, tôi sạ 12 kg lúa giống loại ST 25. Hiện 2ha lúa được 8 ngày tuổi, đang phát triển rất tốt”.
Sau hơn 2 giờ cấy lúa vần công, ông Lâm Văn Vọng (ấp Ông Muộn) chia sẻ: “Thời điểm khoảng cuối tháng 6 âm lịch mưa rất nhiều, tôi rửa mặn cho vuông tôm lần 1. Phơi đất khoảng 30 ngày, rồi rửa mặn lần 2. Sau khi đã hoàn tất khâu rửa mặn, trước khi xuống giống tiến hành bừa trục lại lần cuối”.
Theo ông Vọng, khâu rửa mặn cho đất trước khi gieo sạ lúa sẽ quyết định sự thành công của vụ lúa. Trước khi đưa nước mặn vào nuôi tôm, tránh để đất bị nứt nẻ, mặn ngấm sâu vào đất sẽ khó rửa. Trong quá trình rửa mặn khi xới, bừa trục, nông dân phải bón vôi bột để rửa mặn nhanh hơn và triệt để hơn. Với cách làm này, cùng thời tiết thuận lợi đã giúp cho ông Vọng thu hoạch mỗi năm đạt 5,5 – 6 tấn lúa/ha và hơn 1.000 – 1.500kg tôm/ha.
Thời tiết thuận lợi nên diện tích lúa trồng trên đất nuôi tôm của nông dân ấp Ông Muộn phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ảnh: Bích Lệ
Cũng như 150 hộ dân trong ấp Ông Muộn, với 3,4 ha đất ruộng, vụ mùa này ông Nguyễn Thanh Hợp chọn giống lúa ST 25 để gieo sạ. Do nắm vững kỹ thuật canh tác từ khâu xử lý, cải tạo đất đến gieo sạ nên diện tích lúa hơn 20 ngày tuổi của ông phát triển rất tốt. Bản thân ông Hợp là một nông dân “nặng tình với đất, nặng lòng với cây lúa con tôm” nên đút rút nhiều kinh nghiệm và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho nhiều hộ nông dân. Theo ông Hợp, lúa – tôm là mô hình nông nghiệp thông minh. Nếu chỉ độc canh cây lúa hoặc độc canh con tôm thì năng suất thu hoạch của con tôm hay cây lúa cũng chỉ đạt từ 70 – 85% trên cùng đơn vị diện tích, còn trồng lúa trên đất nuôi tôm sẽ tạo môi trường đất tốt. Cây lúa và con tôm có tác động hỗ trợ lẫn nhau và theo tỉ lệ thuận “trúng lúa thì trúng tôm”.
Lúa trồng trên đất nuôi tôm không được sử dụng thuốc trừ sâu (bởi tôm sẽ chết nếu có dư lượng thuốc trừ sâu trong đất, trong nước), chỉ sử dụng phân hữu cơ theo chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn. Do đó, lúa trồng trên đất nuôi tôm là lúa an toàn, sạch và tôm nuôi trong ruộng lúa thì lớn nhanh, ít bệnh, thịt chất lượng hơn. Bình quân mỗi vụ lúa trên đất nuôi tôm ông Hợp thu hoạch đạt 7 tấn/ha, (dẫn đầu năng suất lúa ở ấp) và trên 250 triệu đồng tiền thu lợi từ bán tôm.
Vụ lúa – tôm năm nay, nông dân vùng trồng lúa ấp Ông Muộn xuống giống 50ha theo quy trình lúa hữu cơ, 80ha sản xuất theo quy trình lúa VietGap, còn lại là sản xuất ngoài quy trình. Các giống lúa bà con chọn canh tác là ST 24, ST 25 và Đài Thơm 8. Giống lúa và sản lượng lúa sản xuất theo quy trình đều được Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn cung cấp và thu mua toàn bộ sau thu hoạch.
Lúa - tôm mô hình mang tính bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu của nông dân ấp Ông Muộn không chỉ tạo ra sản phẩm “lúa thơm – tôm ngọt” mà cái hay của mô hình còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của bà con nông dân. Chất lượng lúa và tôm của nông dân ấp Ông Muộn còn tạo nên thương hiệu gạo sạch, giúp cho hợp tác xã hướng đến chuẩn OCOP 4 sao.