Tận dụng các kênh rạch thủy lợi ở phường Tân Thành, một số chị em phụ nữ ở nơi đây bắt đầu nhổ năn, tuy hơi cực nhưng qua mùa năn thu nhập rất khá, bình quân mỗi chị em thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng, thậm chí còn hơn số đó.
Năn là loại cây mọc hoang, phát triển tốt ở vùng lung phèn, lung sâu, thường mọc ở đồng nước lớn mênh mông. Nếu như trước đây cây năn chỉ là loại cây mọc dại thông thường, không được mọi người ưa chuộng, thì vài năm trở lại đây cây năn được giới sành ăn ở miền tây coi như món ngon, là loại rau dân dã, được dùng chung mới lẩu mắm, cá kho, năn xào tép, năn xào vọp,… được mọi người ưa chuộng từ thành thị đến nông thôn.
Ở phường Tân Thành, TP Cà Mau các chị em phụ nữ hái ra tiền nhờ nghề nhổ năn. Công việc của họ bắt đầu từ 5 giờ sáng, sau khi chuẩn bị “đồ nghề” và thức ăn “giã chiến” thì các chị em phụ nữ bắt đầu ra đồng, không phải đồng của riêng ai nhưng đến giờ thì khoảng 25 chị em phụ nữ ở khu vực khóm 2, phường Tân Thành lại tụ họp đầy đủ. Thường thì nhỗ từ sáng sớm và kết thúc vào 11 giờ trưa.
Theo các chị em phụ nữ ở đây, năn là loài thủy sinh, được chia ra hai loại là năn bộp và năn kim, năn bột là thứ để mình thu hoạch, năn kim rất nhỏ, cọng dài nên không ăn được. Đối với phụ nữ ở xứ đồng lung thì nhổ năn cũng phải có kỹ thuật và độ kiên trì chịu khó, họ phải trầm mình cả buổi sáng, đôi chân phải lội trong bùn lầy, đôi bàn tay thì thoăn thoát nhỗ làm sao cho năn không bị đứt giữa chừng.
Gắn bó với nghề này hơn 10 năm, ngoài nuôi cá chình, cá bống tượng, khi đến mùa năn thì bà Lê Thị Muội (khóm 2, phường Tân Thành) vẫn cùng chồng ra đồng nhổ năn, nếu như trước đây bà Muội còn nhổ ở đồng ruộng gần nhà thì những năm gần đây do đô thị hóa, bà đến những cánh đồng xa hơn, cũng nhờ loại rau dại này mà hai vợ chồng bà đã nuôi 3 người con ăn học nên người. Qua một mùa như vậy, bà Muội thu về hơn 10 triệu đồng.
“Ban đêm thì 4 giờ thức dậy đi bán rồi, rồi đi nhổ luôn chớ không có về nhà nữa. Tôi có hai đứa con gái hồi đó nó cũng nhổ dữ lắm mà bây giờ gả hết trơn rồi; có con đâu có đi mần đâu, nó trở về xứ khác, làm chuyện khác chớ không làm này nữa”. Bà Muội tâm sự hơi buồn.
Nếu làm giỏi, chịu khó, bình quân mỗi chị em có thể nhổ từ 8 đến 10kg, thu nhập mỗi ngày từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng, đối với phụ nữ ở địa phương, họ xem đây là công việc nhàn rỗi, vừa phụ giúp chồng thêm thu nhập, vừa lại có số tiền để chuẩn bị cho con vào năm học mới. Chị Lương Tuyết Phướng, khóm 2, phường Tân Thành chia sẻ: “Thấy nghề này cũng nhàn, cũng khỏe, có thời gian ở nhà với con; cực mà cũng khỏe hơn mình đi làm thuê, làm mướn cho người ta”.
Năn sau khi nhổ về thì phải lặt lại đến phần lõi non mới ăn được (phần lõi trắng, đọt năn), công việc này kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, sau khi lặt “củ hủ” được cho vào bọc từ 0,5 kg đến 1 kg, giá mỗi kg giao động từ 35.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/ kg. Bình quân 1kg năn sẽ cho ra 800g thành phẩm. Năn được tiêu thụ tại địa phương, hàng xóm, láng giềng,… hay những “mối” quen của gia đình. Theo các chị em, năn năm nay có giá hơn năm rồi từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.
Chị Tô Kim Thi, khóm 2, phường Tân Thành bày tỏ: “Hiện nay thu nhập mỗi ngày khoảng chừng chục ngoài ký, khách hàng cũng ưa chuộng năn này lắm tại năn này không có thuốc, ở đồng quê, ăn rất ngon nên ai cũng thích. Chúng tôi muốn có năn hoài đặng nhổ, kiếm 100.000 đồng, 200.000 đồng mỗi ngày. Năm tới miễn có nữa là mấy chị em tôi tiếp tục nhổ nữa”.
“Qua thời gian chị em phụ nữ thu nhập cũng tương đối ổn định, tuy rằng thu nhập không cao nhưng tạo được thêm kinh tế cho gia đình nhằm tập trung mua sách vở cho con em đến trường đầu năm học mới. Mô hình này chắc trong thời gian tới thì tôi cũng tiếp tục chỉ đạo cho chị em phụ nữ vận dụng những mảnh đất khác còn trống, tiếp tục nới rộng ra mô hình này để phần nào tăng thêm thu nhập cho chị em”. Ông Huỳnh Văn Nhi, Trưởng khóm 2, phường Tân Thành thông tin.
Qua nhiều năm, loài rau dại mọc hoang đã trở thành nguồn sinh kế của chị em phụ nữ, đến mùa mưa năm sau thì họ vẫn sắn quần lội nước, bắt đầu mùa vụ mới. Không biết loài cây này vẫn vươn mình tươi tốt trên những cánh đồng như thế nữa hay không?, còn chị em phụ nữ thì vẫn tin ở đây, vẫn bám trụ với loài cây hoang dại này.