Đến TP. Cà Mau có thể nhận thấy hai vùng rõ rệt: Vùng Bắc Cà Mau và Nam Cà Mau. Một vùng thì chuyên về cây lúa, rau màu, cây ăn trái,… còn lại là vùng Nam Cà Mau thì tập trung nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Đột phá về thế mạnh con tôm được các xã vùng ven như Hòa Tân, Hòa Thành, Định Bình, bước đầu thực hiện đã mang lại làn gió mới, dần dần đã nâng tầm vị thế con tôm Cà Mau.
Thu hoạch tôm quảng canh cải tiến
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 790 ha nuôi tôm truyền thống; 125ha nuôi tôm siêu thâm canh, có 90 hộ nuôi, năng suất đạt 21 tấn/ha, sản lượng 315 tấn. Trong các đợt thẩm định về quy trình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đa phần người nuôi chưa thật sự tuân thủ, đảm bảo an toàn về lưới điện và kế hoạch bảo vệ môi trường nằm trong vùng quy hoạch.
Ngày 10/11/2017, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1874/QĐ-UBND và Hướng dẫn số 148/HD-UBND ngày 22/11/2017 của Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Công Thương Cà Mau về quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Ông Thái Văn Tính, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau, phân tích rõ: “Thành phố đã huy hoạch từng vùng sản xuất, trong đó là Tiểu vùng 7 - Nam Cà Mau. Những hộ nuôi phải tuân thủ, đăng ký với UBND xã và được cơ quan cấp xã thẩm định đủ điều kiện mới được nuôi”.
Xã Hòa Thành có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 2.000 ha, là nơi có tiềm năng lợi thế rất lớn. Trong những năm qua được sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và nhận thức của người dân về việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, từ đó diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống ngày càng giảm dần, thay vào đó là nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Gần đây nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn. Theo ông Lê Văn Tài, Chủ tịch hội nông dân xã, đây là mô hình mới, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và cần phải được hỗ trợ mô hình ương tôm nuôi 2 giai đoạn để người dân tham gia học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế sản xuất.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo quy trình về điện luôn được lãnh đạo địa phương hết sức trăn trở. Ông Phan Minh Sách, Phó Chủ tịch, UBND xã, cho biết thêm: “Đối với xã thì đã liên hệ với ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp cùng với các cơ quan, chính quyền để cùng với người dân tháo gỡ về nguồn vốn. Liên hệ với điện lực, kiến nghị với cơ quan cấp trên làm sao để đảm bảo nguồn điện trong khu huy hoạch được duyệt để thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh này”.
Thời gian qua, UBND xã Hòa Tân luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân, hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh thực hiện đúng quy định tại các hướng dẫn. Theo khảo sát, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh có 194ha (tôm siêu thâm canh đến thời điểm này là 39 hộ). Hiện có 13 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, với diện tích 17,4ha là đảm bảo theo quy định; còn lại 26 hộ chưa đảm bao quy trình.
Đa số những hộ chưa đảm bảo điều kiện nuôi đều đang trong quá trình đầu tư mô hình, thực hiện mô hình nuôi tôm siêu tham canh theo hình thức mới như: Mô hình nuôi tôm trải lưới mành, mô hình nuôi tôm sử dụng vòng tuần hoàn khép kính trong xử lý nước…
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao bằng mô hình trải lưới mành của ông Trần Minh Khôn, ấp Cái Nai, xã Hòa Tân là một điển hình. Đầu năm ngoái, sau khi nghe báo, đài và được đi thăm quan ở các huyện bạn về mô hình này, ông nghĩ có thể giảm nước đục cho ao nuôi. Ông quyết tâm thay đổi cách thức canh tác, bắt đầu mạnh dạn áp dụng vào ao đất sẵn có. Với tổng diện tích sử dụng khoảng 3.000m2, ông Khôn làm lại thành 1 ao nuôi có 700m2 trải lưới mành, có hố si phong, 1 áo xử lý 1.500m2 có trải bạc mé. Qua một năm, ông Khôn cho biết, hiệu quả đem lại khá cao, lãi trung bình khoảng 350 triệu/vụ nuôi.
Ông Khôn cho rằng, tuy khu nuôi của gia đình nằm trong vùng quy hoạch, hệ thống kênh cấp, giao thông, điện lưới, an ninh trật tự đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất; nhưng khi thực hiện không đúng quy trình nên xuất hiện một số bệnh như: Đốm trắng, đầu vàng, gan tụy…“Sắp tới đây nếu như có vốn thì tôi sẽ đầu tư trải bạc luôn, khi thực hiện đúng quy trình thì tôi không còn lo nữa”. Ông Khôn, cho biết thêm.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, khi thực hiện mô hình này, các công trình phụ trợ như hệ thống ao chứa, ao lắng để tuần hoàn, tái sử dụng nguồn nước thải trong quá trình sản xuất còn khá đơn giản vì không có quỹ đất. Bước đầu là vậy nhưng về lâu về dài, việc không đảm bảo các quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, hiệu quả từ những lần nuôi tiếp theo…
Dự kiến đến năm 2020, xã Hòa Tân sẽ phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp khoảng 300ha, năng suất bình quân đạt từ 6 tấn đến 7 tấn/ha. “UBND có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là hướng dẫn người dân đăng ký kê khai ngay từ đầu năm; đẩy mạnh tái cơ cấu nghành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững trên địa bàn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư; tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến… và các mô hình làm ăn có hiệu quả khác”. Ông Phùng Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, xác định rõ.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vẫn là mô hình đem lại nhiều triển vọng, đặc biệt rất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Đây là một trong nhưng giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, mang tính bền vững, góp phần nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả kinh tế trong những năm tiếp theo. Vấn đề về môi trường là câu hỏi để ngành chức năng đưa ra những giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh ở các xã vùng ven,…