Với mục tiêu triển khai, nhân rộng mô hình trồng rau theo quy trình sản xuất rau an toàn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời cung cấp nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn TP Cà Mau, năm 2017, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Cà Mau xem xét đầu tư cho ấp 3, xã Tân Thành dự án trồng rau sạch từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong vòng 2 năm.
Cùng với dự án trồng rau sạch của ấp 3, trong năm 2017, được sự thống nhất của hội nông dân tỉnh, Hội nông dân TP Cà Mau đã kết hợp với Ban vận động quỹ hỗ trợ nông dân để tạo nguồn vốn nhằm xây dựng các mô hình sản xuất và hỗ trợ vốn cho nông dân. Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân TP Cà Mau đã giải ngân được dự án trồng màu tại xã An Xuyên cho 6 hộ vay, dự án nuôi heo sinh sản và thương phẩm tại xã Hòa Thành cho 5 hộ vay… Bên cạnh đó, Hội nông dân còn phối hợp với phòng Kinh tế TP Cà Mau tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho hội viên, tạo điều kiện nông dân yên tâm sản xuất.
Ấp 3, xã Tân Thành từ xa xưa được biết đến là vùng đất ngọt hóa, thuận lợi cho việc trồng rau màu, nuôi cá chình, cá bống tượng; đa số hội viên nông dân trong ấp thực hiện khá mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội nông dân xã phát động. Nhưng do điều kiện thiếu vốn sản xuất nên hiệu quả đạt chưa cao. Từ khi được đầu tư dự án trồng rau sạch từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội nông dân xã đã chỉ đạo cho các hội viên này làm ăn có hiệu quả, tạo nguồn rau sạch phong phú cho thị trường.
Ông Dương Văn Nhứt, Phó Chủ tịch Hội nông dân TP Cà Mau thông tin: “Dự án trồng rau màu của ấp 3 được sự đầu tư, hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho 11 hộ vay với số tiền là 200 triệu đồng (mỗi hộ tối đa 20 triệu đồng) để tạo điều kiện cho hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, đầu tư vào rau màu và nuôi cá chình, cá bống tượng. Hiện ấp 3 có 22 thành viên nằm trong tổ hợp tác trồng màu (được thành lập vào năm 2014), việc thực hiện dự án này sẽ là điều kiện thích hợp để bà con trong tổ hợp tác có dịp trau đổi kinh nghiệm trồng trọt nhiều hơn”.
Hiện nay toàn ấp có trên 20ha trồng rau màu, 15 ha nuôi cá chình, cá bống tượng. Vì vậy mà trong dự án này, bà con ở ấp đã chủ động nuôi cá kết hợp với trồng một số loại rau mà dễ tiêu thụ trên thị trường hiện nay như: Cải xanh, cải ngọt, rau muống… Gia đình ông Đặng Chí Thịnh, ấp 3 là một điển hình, với 2 công đất rẫy, ông Thịnh trồng rau màu khoảng 1000m2, còn lại nuôi cá chình, cá bống tượng. Hiện nay rau đang phát triển tốt và đã thu hoạch được vụ đầu tiên, trong những ngày qua ông tiếp tục vụ thứ 2, trồng thêm bí rợ và rau muống… Theo ông Thịnh, rau muống hiện nay có giá 10.000đ/kg, đậu đủa 10.000đ/kg, dưa leo có giá 15.000/kg… ; nếu so với năm trước thì tăng lên từ 2.000đ – 3.000đ/kg, với giá như vậy thì bà con rất phấn khởi.
“Từ khi nhận nguồn vốn về thì mình đầu tư trồng rau màu, nhưng mà cũng còn dư được “mớ” vốn cũng nuôi được vài ao cá; qua đợt rẫy này tôi đã thu hoạch được 20 triệu, trừ chi phí này kia hết trơn cũng còn lời 15 triệu. Tôi cũng biết ơn Đảng và nhà nước đã quan tâm, sắp tới sẽ gáng phấn đấu làm ăn. Nếu mà được nguồn vốn như thế này thì nông dân dễ sản xuất nhiều lắm”. Đang lay hoai tưới những luống rau muống xanh mướt, ông Đặng Chí Thịnh phấn khởi nói.
Điều quan trọng nhất trong dự án trồng rau này là bà con cần am hiểu, nắm vững, áp dụng tốt quy trình sản xuất, cách sử dụng phân vi sinh, thuốc BVTV, cách sơ chế, bảo quản nông sản thực phẩm sau thu hoạch một cách an toàn. Để hạn chế các tác động xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của rau màu, bà con đã thực hiện nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách) trong khi sử dụng thuốc BVTV.
Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch hội nông dân xã cho biết: “Qua 3 tháng, nhìn chung bà con cũng đã thu hoạch xong, năng suất 1 hộ/10 triệu đồng. Theo bản thân tôi mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trên địa bàn, khi thu hoạch xong vụ này, bà con đang cải tạo đất và xuống giống, với tình hình thời tiết và nguồn nước như hiện nay rất phù hợp cho việc trồng rau”.
Mô hình sản xuất rau sạch này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, mà còn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường lại bảo đảm. “Trong những năm tiếp theo, BCH Hội vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động cho bà con trong ấp 3 giữ vững mô hình trồng rau sạch này, hạn chế thuốc BVTV và cho bà con cam kết không sử dụng những chất cấm là ảnh hưởng sức khỏe đến người tiêu dùng”. Ông Dương Văn Nhứt cho biết thêm.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, khi nông sản thực phẩm sản xuất theo quy trình an toàn sẽ được đa số người tiêu dùng ưa chuộng, vì không chứa dư lượng thuốc BVTV, vì thế có khả năng cạnh tranh rất cao (về cả chất lượng và giá thành sản phẩm của dự án). Mô hình này được triển khai và nhân rộng sẽ tạo động lực cho nông dân thúc đẩy phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm… góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.