Từ là thị xã - thành phố Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau được thành lập theo Nghị định số 21/1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999 của Chính phủ. Đến nay, thành phố đã có sự chuyển biến khá rõ nét về quy hoạch phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng đô thị, tăng trưởng về kinh tế, tiến bộ về xã hội ...
Trong 7 năm qua, trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, thành phố phối hợp với các Sở, ngành tỉnh thực hiện lập quy hoạch chi tiết 26 dự án, với tổng diện tích 1.319,71 ha, gồm các khu: Công nghiệp-TTCN, Trung tâm thương mại, các khu dân cư, khu đô thị mới… Đã có 13 dự án được phê duyệt, với 688,9 ha. Riêng năm 2005, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt 06 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500. So thời điểm trước năm 1999, kết quả quy hoạch 7 năm qua là thành tựu có ý nghĩa quyết định cho việc phát triển nhanh thành phố trong thời gian tới, là cơ sở tiền đề để thành phố phấn đấu đạt các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2010.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn trong 7 năm đạt 4.092 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 27,15%. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Thành phố hiện quản lý trên 200 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 100 km, trong đó có 77 km đường trải nhựa và bê tông nhựa nóng; trên 230 km lộ giao thông nông thôn bằng bê tông, hàng trăm cây cầu giao thông bằng bê tông. Thực hiện nạo vét trên 07 triệu m3 kênh thuỷ lợi, tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng. Lưới điện nông thôn phát triển nhanh, góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,62% (năm 1998 đạt 76%). Đầu tư xây dựng mới 284 phòng học, tăng bình quân hàng năm là 5,54%; xây dựng bán cơ bản 15 Trạm y tế xã, 3 phòng khám đa khoa khu vực. Cơ bản hoàn chỉnh hệ thống mạng thông tin liên lạc trên địa bàn, bình quân có 32 máy/100 dân (năm 1998 là 5,5 máy/100 dân). Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nội thành từng bước được đầu tư cải tạo, mạng nước sạch nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đến nay chiếm 98,76% (năm 1998 chiếm 75%).
Nền kinh tế thành phố phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng cao, đạt bình quân hàng năm (giai đoạn 1999-2005) là 17,44%. GDP năm 2005 tăng 2,65 lần so với năm 1998. GDP bình quân đầu người năm 2005 (theo giá so sánh năm 1994) đạt 13,2 triệu đồng, tăng bình quân hàng năm 14,98%.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 7 năm đạt 29.228 tỷ đồng, tăng bình quân 23,49%. Hiện trên địa bàn thành phố có 1.470 cơ sở, tăng 279 cơ sở so với năm 1998, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 3,05%.
Giá trị ngành thương mại dịch vụ 7 năm đạt 4.748 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 17,53%. So năm 1998, thành phố hiện có 7.150 cơ sở, tăng 2.875 cơ sở, mức tăng bình quân hàng năm là 7,62%. Các loại hình dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông... được mở rộng, với sự tham gia của các thành phần kinh tế phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Giá trị sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản 7 năm đạt 2.248 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 16,80%. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả ở các xã ngoại thành được nhân rộng, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của dân cư nông thôn. Tổng sản lượng lúa trong 7 năm đạt 390.262 tấn, sản lượng tôm 13.480 tấn, tăng bình quân hàng năm 49,58%.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội đã có tiến bộ đáng kể, nhiều chỉ tiêu về phát triển văn hóa-xã hội những năm qua đều đạt và vượt. Thành phố được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học - Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; đến nay thành phố có 04 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trên địa bàn có 52.318 em học sinh, tăng 7.103 em so với năm 1998, mức tăng bình quân hàng năm là 2,11%; có 904 phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, chiếm 100%.
Mạng lưới y tế từ thành phố đến xã-phường được tổ chức và hoạt động có hiệu quả, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, thường xuyên thực hiện công tác truyền thông dân số, áp dụng các biện pháp tránh thai...góp phần làm giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,41% vào cuối năm 2005 (năm 1998 là 1,7%). Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Bệnh viện đa khoa thành phố, các Trạm y tế xã-phường. Hiện có 6 xã-phường được tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 31% năm 1998 xuống còn 15,58% năm 2005.
Thành phố đã được tỉnh phê duyệt Đề án văn hóa đô thị đến năm 2010, đến nay công nhận 33.507 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 81,67%; 98/112 ấp-khóm văn hóa, chiếm 87,5% và 9/15 xã-phường đạt chuẩn văn hóa, chiếm 60%; 11.559 gia đình văn hóa tiêu biểu, 394 cơ quan trường học và 26 khu văn hóa tiêu biểu. (năm 1998: có 3.445 hộ đạt chuẩn văn hóa, 9 ấp-khóm đạt chuẩn văn hóa).
Thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với người có công, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chương trình xoá đói giảm nghèo... Đến cuối 2005, tỷ lệ hộ nghèo thành phố theo tiêu chí cũ còn 2,67% (năm 1998 là 9%), theo tiêu chí mới còn 5,48%. Trong 7 năm, huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 7,985 tỷ đồng, hàng năm đều vượt chỉ tiêu trên giao. Xây dựng và sửa chữa 415 căn nhà tình nghĩa. Vận động quỹ vì người nghèo đạt 3,345 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 889 căn nhà đại đoàn kết cho đối tượng khó khăn về nhà ở.
Tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững và ổn định. Phong trào toàn xã hội tham gia công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội được tăng cường, phát huy và nhân rộng. Công tác giải quyết yêu cầu, khiếu kiện của công dân được quan tâm nhiều hơn; phát huy tốt vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố và xã-phường có nhiều tiến bộ; tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng. Bộ máy cơ quan hành chính thành phố được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả hơn; chú trọng công tác đào tạo cán bộ kế thừa; triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương cải cách hành chính, thành phố và xã-phường đã xây dựng Đề án theo mô hình “một cửa”, triển khai thực hiện từng bước đi vào nề nếp.
Thành tựu đạt được trong 7 năm qua là nền tảng để thành phố tiếp tục phát triển vững chắc hơn trong những năm sắp tới, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2010. Nhìn chung, diện mạo của thành phố đã có nhiều đổi mới. Đô thị được mở rộng trên cơ sở quy hoạch theo hướng xây dựng phát triển thành phố, từng bước vươn đến văn minh hiện đại. Các dịch vụ về điện, nước, vệ sinh môi trường, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông... phát triển khá mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể. Văn hoá xã hội có bước tiến bộ rõ nét, việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với giải quyết những vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực.
Thành tựu đạt được trong 7 năm xây dựng và phát triển của thành phố là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự hỗ trợ phối hợp của các ngành chức năng tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của Đảng bộ và quân dân thành phố Cà Mau, trên cơ sở phát huy các thế mạnh của địa phương để đẩy nhanh tốc độ phát triển thành phố. Đảng bộ xây dựng Nghị quyết từng năm giai đoạn 1999-2005 với những mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực sát với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, năm 2003 Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 20/11/2003 chuyên đề về “xây dựng và phát triển thành phố Cà Mau đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này, các ngành chức năng tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện trong việc triển khai quy hoạch, công bố các khu chức năng và định hướng xây dựng phát triển đô thị thành phố ngày càng cụ thể hơn. Thông qua việc ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng và cho phép nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn. Việc mở rộng, triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và các khu chức năng, sẽ góp phần làm cầu nối, điều kiện quan trọng giúp thành phố đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong 7 năm qua, thành phố vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại. Trình độ năng lực cán bộ, công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tuy được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thành phố. Nhiều dự án quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng triển khai chậm, khả năng gọi mời đầu tư, quản lý thực hiện các dự án quy hoạch đã triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập... Việc mở rộng, chỉnh trang đô thị để đạt yêu cầu xanh - sạch - đẹp chưa đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, chưa phát huy đúng mức vai trò của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tập thể. Tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi chưa được ngăn chặn có hiệu quả, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đạt yêu cầu, một số quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu lực quản lý của Nhà nước…
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 7 năm qua, với tinh thần phát huy nội lực, nỗ lực quyết tâm vượt qua những khó khăn; tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh. Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thực hiện đạt các tiêu chí của thành phố loại 2 vào năm 2010.