|
Thứ Năm, 05/12/2019 03:24:00
Thành tựu và định hướng phát triển KT-XH thành phố Cà Mau đến năm 2020
Cà Mau được nâng lên thành phố năm 1999, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh Cà Mau; có diện tích tự nhiên 24.618 ha; dân số gần 200.000 người, với 60% số dân sống ở thành thị; nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm trên 54% trong toàn tỉnh.
Với vị trí nằm trên trục Quốc lộ 1A từ Cần Thơ đi Năm Căn, Quốc lộ 63 đi Rạch Giá; có các sông Gành Hào, Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cà Mau - Bạc Liêu chảy qua, lại tiếp giáp với hầu hết các huyện của tỉnh; có sân bay Cà Mau, đồng thời là đầu mối các tuyến du lịch, nên thành phố Cà Mau có điều kiện rất thuận lợi giao lưu bằng cả đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không với các đô thị, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Cà Mau đạt bình quân 15%/năm. Đến nay tăng trưởng GDP đạt 17,44%; hình thành cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-xây dựng chiếm 55%, Thương mại-dịch vụ 33%, giảm tỷ trọng nông-ngư nghiệp còn 12%. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có nhịp độ tăng trưởng 20%/năm; gía trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm trên 70% toàn tỉnh. Số cửa hàng, cơ sở kinh doanh thương mại tăng từ 3.800 cơ sở năm 1995 lên trên 5.500 cơ sở năm 2005. Tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tăng 31%/năm; đã có 26 nhà hàng - khách sạn với tổng số trên 500 phòng, trong đó có 60% phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Các loại hình dịch vụ khác như giao thông-vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm tăng từ 24 đến 32%/năm, ngày càng đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ: bình quân có 10,5 bác sỹ/1 vạn dân; số trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường đạt 98,5%; các thiết chế văn hóa: thư viện, bảo tàng, công viên, trung tâm văn hóa, khu vui chơi, thể dục thể thao được xây dựng, hoạt động có kết qủa; đời sống dân cư không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 10 triệu đồng, tương đương 650 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Nhân dân Thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, tính đến nay có gần 80% số hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; có 98% số hộ sử dụng điện, 96% số hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Với quyết tâm biến Cà Mau thành một trong những đô thị động lực phát triển trong tương lai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cà Mau đến năm 2020 theo mục tiêu: phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả, gắn với giải quyết tốt các vấn đề về xã hội; phát triển văn hoá lành mạnh, bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng một bước quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; từng bước phát triển mở rộng và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Lĩnh vực kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ nay đến 2010 bình quân khoảng 14%/năm; giai đoạn 2011 – 2020 tăng bình quân khoảng 12,3%/năm. Tốc độ tăng gía trị sản xuất Công nghiệp-xây dựng 14%, Thương mại-dịch vụ 16%, Nông-ngư nghiệp 8,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.600 USD, năm 2020 khoảng 3.800 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng Thương mại-dịch vụ; dự kiến cơ cấu kinh tế (%) như sau:
|
Năm 2002
|
Năm 2005
|
Năm 2010
|
Năm 2020
|
Công nghiệp
|
55
|
57,10
|
54,80
|
52,40
|
Dịch vụ
|
33
|
35,40
|
40,00
|
45,00
|
Nông nghiệp
|
12
|
7,50
|
5,20
|
2,60
|
Lĩnh vực xã hội: phát triển quy mô dân số đến năm 2010 khoảng 265.000 người, năm 2020 khoảng 360.000 người; giảm thấp nhất tỷ lệ lao động không có việc làm năm 2010 xuống dưới 4%; giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp còn 17,2% vào năm 2010. Phát triển giáo dục đào tạo để thành phố Cà Mau trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 50% vào năm 2010. Huy động hầu hết học sinh trong độ tuổi đến trường, tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo 100% số gia đình có điều kiện tiếp xúc và hưởng thụ văn hoá nghệ thuật, được chăm sóc y tế, nâng cao tuổi thọ, đến năm 2007 tất cả các xã đạt chuẩn y tế quốc gia. Đến năm 2010 có 100% số hộ nội ô được sử dụng điện và nước sạch sinh hoạt, ở các xã ngoại thành đạt 96%; bình quân có 20 máy điện thoại/100 người dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,5%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 10%.
Thực hiện quy hoạch không gian đô thị đến năm 2020, mở rộng xây dựng thành phố Cà Mau về hướng Tây, Tây Bắc và hướng Tây Nam; triển khai dự án xây dựng khu đô thị Đông Bắc, khu đô thị phía Tây Bắc của Phường 8. Xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt của thành phố như giao thông, phát triển giao thông công cộng, hệ thống lưới điện, viễn thông, xây dựng hệ thống nước thải thành phố, các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, công viên cây xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Quy hoạch đầu tư các dự án khu dân cư, phục vụ công tác tái định cư và giải quyết nhu cầu nhà ở của nhân dân. Phát triển khu vực nông thôn ngoại thành theo hướng gắn đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư hạ tầng cho các xã ngoại thành, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giảm sự cách biệt giữa nội thành với ngoại thành.
Để thành phố Cà Mau phát triển nhanh và bền vững, chính quyền Thành phố đang tích cực thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư, thực hiện cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển văn hóa xã hội tương ứng với phát triển kinh tế, đồng thời kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và an toàn xã hội.
|
| |